Tư vấn với cuộc cạnh tranh khốc liệt

(BĐT) - Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà thầu tư vấn, cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tư vấn ngày càng gay gắt, khốc liệt và điều này đang đặt lên vai nhà thầu tư vấn nội không ít áp lực và khó khăn.
Tư vấn trong nước cần liên kết, hợp tác để dần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm chủ các công nghệ tiên tiến, từ đó cạnh tranh được với tư vấn nước ngoài
Tư vấn trong nước cần liên kết, hợp tác để dần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm chủ các công nghệ tiên tiến, từ đó cạnh tranh được với tư vấn nước ngoài

Tư vấn nội lép vế trước tư vấn ngoại

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhà thầu Việt nói chung và nhà thầu tư vấn nói riêng hiện vẫn bị yếu thế so với các nhà thầu nước ngoài, lép vế ngay cả trên thị trường xây dựng Việt Nam. Sự lép vế của nhà thầu Việt thể hiện ở cả 3 góc độ: công nghệ, khả năng tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Hiệp cũng cho biết, do có lợi thế về mặt công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao nên khi đến với thị trường xây dựng Việt Nam, nhiều nhà thầu tư vấn nước ngoài chỉ mang theo công nghệ và rất ít nhân sự nhưng lại lấn át được các nhà thầu tư vấn trong nước. Bằng chứng là nhiều công trình lớn, có quy mô phức tạp đều do nhà thầu nước ngoài đảm nhận khâu tư vấn, thiết kế.

Đại diện Tổng công ty Cơ khí xây dựng cho biết, doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được các công tác tư vấn thiết kế cho thiết bị đơn giản, còn thiết kế các thiết bị chính và thiết kế tổng thể cho cả hệ thống nhà máy có giá trị gia tăng lớn  thì nhà thầu trong nước vẫn ít có khả năng đảm nhận được. Thực tế cũng cho thấy, các dự án xây dựng nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp như nhà máy nhiệt điện, dầu khí, hóa chất... thì các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC là chủ yếu. Và tại những dự án nhiệt điện mà Nhà nước ưu tiên cho nhà thầu trong nước thực hiện thì họ vẫn chưa làm chủ được phần tư vấn thiết kế, nên phần nhiều vẫn phụ thuộc vào tư vấn thiết kế nước ngoài.

Chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Jorn Ortmann – chuyên gia của Tập đoàn GMP International GMBH (Đức) cho biết, qua quá trình hơn 10 năm làm tư vấn thiết kế cho một số công trình lớn tại Việt Nam, ông nhận thấy lợi thế nổi trội của các nhà thầu tư vấn nước ngoài tại Việt Nam chính là công nghệ. Công nghệ là chìa khóa trong các cuộc thi thiết kế những công trình lớn và quá trình thi công những công trình này cũng cần phải áp dụng những công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế mà nhà thầu Việt Nam khó có thể đáp ứng được.

Còn TS. Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CFTD Sáng tạo cho rằng, nhìn chung thì tư vấn trong nước không đủ sức để cạnh tranh được với tư vấn nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể trưởng thành và sánh vai với tư vấn nước ngoài thì phía tư vấn trong nước cần liên kết, hợp tác thực hiện các công trình khó, quy mô lớn và phức tạp để từ đó dần học hỏi, nắm bắt và tích lũy kinh nghiệm, làm chủ các công nghệ tiên tiến của tư vấn nước ngoài.

Quan ngại về những cuộc thầu không sòng phẳng

Giữa cung và cầu của thị trường tư vấn có độ vênh (cung lớn hơn cầu) nên có nhiều nguy cơ xảy ra các cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt. Nhiều nhà thầu tư vấn sẵn sàng phá giá thị trường để giành được hợp đồng.
Trao đổi thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia về đầu tư xây dựng cho rằng, nhìn trên bình diện tổng thể thì hiện nay, đội ngũ những người làm tư vấn đang bị dư thừa so với khối lượng công việc tư vấn theo nhu cầu xã hội. Vài năm trở lại đây, do nguồn ngân sách hạn hẹp, số lượng các dự án đầu tư xây dựng khởi công mới có phần hạn chế, phần công việc dành cho tư vấn theo đó cũng ít hơn. Thế nhưng, tính theo thời gian, nguồn nhân lực tư vấn, cá nhân và số lượng doanh nghiệp được thành lập hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lại có xu hướng gia tăng. Chính vì giữa cung và cầu của thị trường tư vấn có độ vênh (cung lớn hơn cầu) nên có nhiều nguy cơ xảy ra các cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế cũng cho thấy, ở một số gói thầu, nhiều nhà thầu tư vấn đã làm mọi cách để có thể giành được các hợp đồng tư vấn như bỏ giá thầu thấp quá mức, phá giá thị trường. 

Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam chia sẻ, điều quan ngại nhất đối với ông trong nhiều năm làm nghề tư vấn chính là tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu. Là một tổng công ty lớn và mạnh, đã có thâm niên làm nghề tư vấn hàng chục năm, nên nhiều gói thầu/công trình đã chào mời Tổng công ty ông vào tham gia đấu thầu dịch vụ tư vấn nhưng thực chất là mời vào làm quân xanh. Ông Dũng cho rằng, một bất cập thực tế hiện nay là áp dụng định mức thấp và đấu thầu giá rẻ đối với lĩnh vực tư vấn, trong khi đây là công việc đặc thù, là sản phẩm thuần chất xám. Trong nhiều trường hợp, lựa chọn đơn vị tư vấn bỏ giá cao chưa chắc đã là đắt và không hiệu quả.

Một khó khăn khác của tư vấn trong nước hiện nay là việc tham gia một cách có chất lượng vào các cuộc thi ý tưởng thiết kế công trình. Để việc dự thi nghiêm túc, có chất lượng thì tư vấn phải đầu tư từ con người đến công nghệ áp dụng, phải có các phần mềm công nghệ cao hỗ trợ để tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo, có nguồn lực tài chính dự trữ dồi dào… Trong khi nhà thầu tư vấn Việt Nam thường có tâm lý “ăn xổi”, “ăn đong” thì khó mà có nguồn lực dự trữ, sẵn sàng để đầu tư công sức, tiền bạc vào những cuộc thi như vậy được, do vậy khả năng trưởng thành và lớn lên của đội ngũ làm nghề tư vấn trong nước cũng sẽ bị hạn chế.  

Chuyên đề