Trò “ảo thuật” của Thủy hải sản Việt Nhật

(BĐT) - Đằng sau kết quả kinh doanh èo uột trong những năm trở lại đây là một loạt nghiệp vụ kế toán, giao dịch khó hiểu của Công ty CP Thủy hải sản Việt Nhật.
Điều kỳ lạ là dù đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà xưởng đã bán,… VNH vẫn đưa ra kế hoạch 2016 với chỉ tiêu doanh thu đạt 60 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Điều kỳ lạ là dù đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà xưởng đã bán,… VNH vẫn đưa ra kế hoạch 2016 với chỉ tiêu doanh thu đạt 60 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Sau 3 lần triệu tập, ĐHCĐ thường niên 2016 của Công ty CP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cũng đã tiến hành thành công với vỏn vẹn 4 cổ đông tham dự - cũng chính là các thành viên HĐQT và BKS của Công ty. Tỷ lệ cổ đông tham gia thấp kỷ lục (0,7%).

Qua 2 năm liên tục thua lỗ (2014 - 2015),  tình hình của VNH gần như kiệt quệ khi Công ty chỉ còn 6 lao động – cũng là cán bộ quản lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã ngừng từ quý II năm ngoái. Kế hoạch chuyển hướng kinh doanh năm 2014, sau khi nhượng bán toàn bộ nhà xưởng của VNH đã không được triển khai. Thậm chí, Công ty không còn tài sản để thế chấp ngân hàng nhằm vay tiền cho hoạt động thuê gia công hàng thành phẩm – là lý do chính khiến VNH phải ngừng hoạt động kinh doanh.

Những dấu hiệu suy kiệt của VNH thực tế đã xuất hiện từ trước đó. Tuy nhiên, do quy mô Công ty quá bé, cổ đông rải rác, vụ việc của Công ty chưa được chú ý đúng mức. 

Hàng tồn kho “bốc hơi” khó hiểu

Năm 2014, Thủy hải sản Việt Nhật bất ngờ báo lỗ 43,5 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ khổng lồ so với quy mô tài sản (83 tỷ đồng) và vốn điều lệ (80 tỷ đồng) của Công ty. Nguyên nhân thua lỗ phần lớn đến từ việc hàng tồn kho hư hỏng (35,8 tỷ đồng). Đây không phải lần đầu tiên VNH thua lỗ từ việc xử lý hàng tồn kho. Năm 2012, khoản lỗ từ việc xử lý hàng tồn kho của VNH là 11,5 tỷ đồng. Năm 2013, cũng với “nghiệp vụ” này, VNH lỗ 35,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ việc thanh lý nhà xưởng, năm đó VNH thoát lỗ…

Vấn đề là, một công ty thủy sản thành lập hơn 10 năm (từ năm 2000), việc quản lý hàng tồn kho tại sao có thể tắc trách đến vậy? Trong 3 năm liền, chỉ với 1 nghiệp vụ xử lý hàng tồn kho kém phẩm chất, tài sản của VNH đã nhanh chóng “bay” đi 83,7 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty.

Ngạc nhiên hơn nữa, trong lúc hàng tồn kho vẫn luôn duy trì ở mức hàng chục tỷ đồng mỗi năm, doanh thu của VNH không ngừng giảm sút. Từ mức 100 tỷ đồng năm 2012, doanh thu bán hàng của VNH chỉ còn 11 tỷ đồng năm 2015. Từ quý II/2015, Công ty đã hoàn toàn dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, phải chăng Công ty nhập nguyên vật liệu và tổ chức sản xuất không căn cứ vào đơn đặt hàng. Vậy việc tổ chức sản xuất của Công ty dựa trên cơ sở nào?

Những kế hoạch siêu thực và giao dịch đáng ngờ

Vấn đề là, một công ty thủy sản thành lập hơn 10 năm (từ năm 2000), việc quản lý hàng tồn kho tại sao có thể tắc trách đến vậy? Trong 3 năm liền, chỉ với 1 nghiệp vụ xử lý hàng tồn kho kém phẩm chất, tài sản của VNH đã nhanh chóng “bay” đi 83,7 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty.
Tình hình kinh doanh u ám, ĐHCĐ thường niên của VNH vẫn thông qua kế hoạch năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 60 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng. Quý I/2015, Công ty chỉ phát sinh doanh thu tài chính 3 triệu đồng và chính thức lỗ 968 triệu đồng.

Kế hoạch kinh doanh của VNH siêu thực ở chỗ, Công ty đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà xưởng đã bán, hàng tồn kho nếu có thể giải phóng được thì với giá ghi sổ hơn 21 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015 và giữ nguyên cho đến cuối quý I/2016), VNH lấy đâu ra con số doanh thu 60 tỷ đồng? Và càng khó hiểu cho chỉ tiêu lợi nhuận 4,5 tỷ đồng năm 2016.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên VNH đưa ra kế hoạch lạ lùng đến vậy.

Cuối năm 2013, VNH bất ngờ công bố thông tin về việc hợp tác với đối tác Nhật Bản để sản xuất bột nêm. Kế hoạch mãi mãi nằm trên giấy tờ. Đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy việc hợp tác đã được triển khai. Theo kế hoạch, đối tác Nhật Bản sẽ tham gia vào HĐQT của VNH, đến nay cũng chưa thấy đâu. Giật mình nhìn lại tên đối tác mà VNH định hợp tác, ngay cái tên Internet Service cũng không gợi nên bất kỳ điều gì về ngành kinh doanh sản xuất bột nêm(!)

Và khi chưa có một kế hoạch cụ thể về việc kinh doanh bột nêm, năm 2013 VNH đã nhanh chóng giải phóng toàn bộ hàng tồn kho (và sau đó… tiếp tục nhập lại), bán toàn bộ máy móc thiết bị sản xuất. Lạ lùng ở chỗ, sau khi bán toàn bộ nhà xưởng máy móc, Công ty ghi nhận lãi khủng và sau đó tiếp tục… thuê nhà xưởng. Hoạt động kinh doanh của VNH èo uột và liên tục xuống dốc từ năm 2013.

Trước kế hoạch sản xuất bột nêm, VNH đã thông qua việc thoái vốn khỏi công ty liên kết là Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật. Thay vì chuyển nhượng cho bên thứ 3, VNH chấp thuận để Phú Nhật hoàn lại vốn góp trong 10 năm. Theo tính toán, mỗi năm Phú Nhật sẽ trả 3,56 tỷ đồng vốn góp (đã tính lãi suất). Việc thanh toán sẽ bắt đầu từ năm 2015. Tuy nhiên, quan sát kết quả kinh doanh 2015 thì doanh thu tài chính của VNH chỉ vỏn vẹn 43 triệu đồng. Dường như kế hoạch hoàn trả chưa được Phú Nhật thực hiện? Mối liên hệ thực sự giữa Phú Nhật và Việt Nhật như thế nào là điều khiến cổ đông băn khoăn.

Cũng xin nhắc lại, VNH đã ngừng sản xuất kinh doanh từ quý II năm ngoái. Vậy liệu Công ty có còn tồn tại đủ 10 năm để nhận những khoản tiền lẻ tẻ từ Phú Nhật?

Chuyên đề