Triển vọng tăng trưởng ngành công nghệ cao

Doanh nghiệp ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin chiếm số lượng “khiêm tốn” trong BXH FAST 500

Nhìn vào Bảng xếp hạng FAST500 trong 3 năm trở lại đây, con số các doanh nghiệp thuộc ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn ở mức thấp, chỉ chiếm 3-5% tổng số doanh nghiệp.

Đây là con số rất “khiêm tốn” so với số doanh nghiệp thuộc các ngành nổi như Xây dựng, Vật liệu xây dựng, Bất động sản hay ngành Thực phẩm, đồ uống – các ngành luôn có doanh nghiệp xuất hiện đông đảo trong các vị trí của bảng xếp hạng các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất qua các năm.

Số lượng các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng FAST500 phân theo một số khối ngành
chính từ năm công bố 2015 đến 2017 (Đơn vị: %)

Những ngôi sao “đang lên”

Tuy chiếm số lượng nhỏ trong bảng xếp hạng, nhưng các doanh nghiệp Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn liên tục cải thiện mức độ tăng trưởng của mình. Trong Bảng xếp hạng FAST500, CAGR trung bình của các doanh nghiệp thuộc khối ngành này đang tăng dần qua các năm.

Nếu như trong 2 năm công bố  2014 và 2015, tương ứng với giai đoạn tăng trưởng 2009-2012 và 2010-2013, CAGR trung bình của khối ngành này thấp hơn CAGR trung bình của toàn bảng thì trong hai năm trở lại đây, CAGR trung bình của các doanh nghiệp Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin vượt lên trên CAGR trung bình của toàn bảng, và đặc biệt, đạt ở mức cao trong giai đoạn 2012-2015, lên tới 54,44% - đứng thứ 2 trong Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) cao nhất trong BXH FAST500 năm 2017.

CAGR bình quân phân của các doanh nghiệp ngành Viễn thông, tin học, công
nghệ thông tin và các doanh nghiệp của toàn BXH FAST500 từ năm công bố 2014 đến 2017
(Đơn vị: %)

Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) giai đoạn 2012 – 2015
cao nhất trong BXH FAST500 năm 2017.

Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Khả năng tăng trưởng nhanh chóng nhưng không vì thế mà khối ngành này tỏ ra kém bền vững. Xét trên tình hình và khả năng sinh lời của các ngành trong Bảng xếp hạng FAST500, ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn xuất hiện trong Top 3 ngành có hệ số sinh lời ROE cao nhất Bảng xếp hạng trong những năm gần đây.

Nếu như ở các ngành khác, luôn có sự biến động lớn qua các năm về hệ số sinh lời thì trong 3 năm trở lại đây, tương ứng với giai đoạn 2010-2015, ROE bình quân ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin luôn ở mức ổn định và cao hơn ROE trung bình toàn bảng, thể hiện khả năng sinh lời của ngành ở mức tốt, đem lại nhiều tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hệ số sinh lời ROE bình quân phân của các doanh nghiệp thuộc BXH FAST500 theo
một số khối ngành chính từ năm công bố 2015 đến 2017 (Đơn vị: %)

Triển vọng tăng trưởng ngành trong tương lai

Báo cáo mới nhất của McKinsey Global Institute (MGI) về viễn cảnh kinh tế ASEAN tới năm 2030, trong đó có Việt Nam cho thấy công nghệ cao đang thay đổi từng ngày, diễn ra với tốc dộ nhanh chóng và sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp. Từ đó cho thấy ngành Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin sẽ ngày càng chiếm vị trí tập trung quan trọng trong thời gian tới, không chỉ ở sự phát triển trong ngành mà còn có xu hướng tích hợp cùng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, giáo dục…

Đây cũng một trong các mục tiêu hướng tới phát triển và áp dụng khoa học công nghệ để Việt Nam tiếp tục tham gia hội nhập quốc tế đầy đủ và sâu rộng. Dù có nhiều tiềm năng nhưng các doanh nghiệp Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức vì đây là ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và vốn đầu tư lớn.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty, tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này nhưng doanh nghiệp Việt mới chỉ dừng lại ở mức gia công, làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra phần giá trị gia tăng tại Việt Nam ở mức thấp so với kì vọng.

Trong thời gian tới, để ngành nghề này giữ vững được tăng trưởng và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, đem lại giá trị lớn cho đất nước cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ các chính sách của Chính phủ đồng thời doanh nghiệp Việt phải tự cải thiện và nâng cao nội lực của chính bản thân doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu trong nước, phát triển mạnh mẽ và tiến tới xâm nhập các thị trường nước ngoài.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500- Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm thứ 7 sẽ được tổ chức ngày 12/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Chuyên đề