Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhiều chính sách còn trên giấy

(BĐT) - Tại Hội nghị Thúc đẩy triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa diễn ra, các đánh giá cho thấy, bên cạnh một số kết quả đạt được thì hiệu quả thực thi Luật chưa được như mong đợi. Một số chính sách chưa được triển khai trên thực tế, một số chính sách chưa đủ hấp dẫn...
Một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được do quy định pháp lý chưa hoàn thiện, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được do quy định pháp lý chưa hoàn thiện, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Vẫn còn những khoảng cách

Đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV sau gần 2 năm có hiệu lực,  đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, khung pháp lý hướng dẫn Luật đã cơ bản hoàn thiện, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai hoạt động hỗ trợ.

Về hỗ trợ tín dụng, tính đến cuối tháng 10/2018, tín dụng đối với DNNVV đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2017. Số lượng DNNVV có dư nợ tại các tổ chức tín dụng đạt gần 185.000 DN. Từ cuối tháng 7/2019, một số ngân hàng thương mại đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, DN khởi nghiệp hoặc áp dụng cho vay ưu đãi với DNNVV.

Đối với hỗ trợ mặt bằng sản xuất, nhiều địa phương tham gia tích cực. Điển hình như Bắc Kạn hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho DNNVV. Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30% giá thuê lại đất trả tiền hàng năm (tối đa không quá 100 triệu đồng/DN) đối với các DNNVV hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ công nghệ… cũng được triển khai.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai Luật, Cục Phát triển DN đánh giá, một số chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa thể triển khai được trên thực tế mà nguyên nhân là do quy định pháp lý chưa hoàn thiện. Đó là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DNNVV; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV…

Chia sẻ vướng mắc trong triển khai Luật, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Đến nay, chưa có quy định cụ thể về chính sách thuế cho từng đối tượng DN và đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Luật”. Theo ông Quân, việc hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị hiện còn nhiều khó khăn. Đối với hoạt động triển khai mạng lưới tư vấn viên, quy định về trả phí cho tư vấn viên quá thấp dẫn đến khó thuê tư vấn viên thực hiện tư vấn…

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết:  “Trong việc triển khai Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (NĐ34) thì cơ chế bảo lãnh của Qũy còn rườm rà, phức tạp nên các ngân hàng không mặn mà phối hợp với Quỹ”.

Qua 2 năm triển khai Luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số chính sách chưa đủ hấp dẫn để triển khai có hiệu quả, một số bộ chuyên ngành chưa chủ động xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý… 

Giải pháp nào để thúc đẩy hỗ trợ DNNVV?

Tiếp tục đẩy mạnh việc đưa Luật vào cuộc sống, Bộ KH&ĐT đề xuất một loạt  giải pháp thúc đẩy hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, Bộ khẩn trương bổ sung Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ DNNVV 2021 - 2025, đồng thời đề xuất bố trí nguồn vốn chi đầu tư để hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật. Bộ Tài chính xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN, trình Quốc hội xem xét ban hành năm 2020; sớm ban hành chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm hỗ trợ DNNVV…

Góp ý cho vấn đề này, ông Quân đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật để các DNNVV sớm được thụ hưởng. Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn NĐ34, nhất là các cơ chế để xử lý rủi ro và hạ bớt lãi suất phù hợp; sớm ban hành văn bản công nhận mạng lưới tư vấn viên…

Chuyên đề