Trần Anh kỳ vọng gì sau một năm bị thâu tóm?

Ban lãnh đạo Trần Anh, thực tế là nhân sự Thế Giới Di Động, đặt mục tiêu chấm dứt chuỗi ba năm lỗ liên tiếp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo báo cáo thường niên vừa được Công ty Thế giới số Trần Anh công bố, sau thương vụ mua bán – sáp nhập với Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) diễn ra từ tháng 1/2018, hoạt động kinh doanh bắt đầu khôi phục và đến cuối năm đã chuyển đổi cơ cấu kinh doanh theo phương án được thông qua trước đó. Cụ thể, doanh nghiệp này bán toàn bộ hàng hóa tồn kho, tài sản cho Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (công ty do MWG sở hữu 99,95% vốn) và chỉ thực hiện hoạt động cho thuê mặt bằng, văn phòng và thương hiệu.

Báo cáo tài chính của Trần Anh thể hiện rõ điều này khi trong ba tháng cuối năm 2018, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận nguồn thu hơn 37 tỷ đồng, giảm hơn 45 lần so với cùng kỳ. Nhờ kinh doanh có lãi trong thời gian này mà lũy kế lỗ sau thuế từ tháng 4-12/2018 (do thay đổi niên độ tài chính để hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty mẹ) giảm còn 4 tỷ đồng, trong khi năm trước lên đến 63 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Trần Anh khẳng định, hoạt động kinh doanh đang trên đà khôi phục và kỳ vọng chấm dứt mạch thua lỗ năm thứ ba liên tiếp. Mục tiêu này được thể hiện bằng kế hoạch doanh thu thuần 150 tỷ đồng và lãi trước thuế 6 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển trong năm nay vẫn là sử dụng lợi thế mặt bằng lớn để cho thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh với Thế Giới Di Động và bên thứ ba khác, bảo đảm không chịu lỗ từ hoạt động này. Bên cạnh đó, công ty sẽ cấp quyền sử dụng thương hiệu "Trần Anh" cho Thế Giới Di Động thuê lại để kinh doanh chuỗi bán lẻ điện máy và trả phí sử dụng thương hiệu.

Song hành cùng chiến lược phát triển này, Trần Anh dự kiến có thay đổi lớn trong nhóm nhân sự cấp cao khi ông Võ Hà Trung Tín từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và bổ nhiệm ông Đặng Hoàng Anh Chiến - người đang đại diện pháp luật của nhiều chi nhánh Trần Anh khu vực phía Bắc - thay thế.

Thương vụ mua bán – sáp nhập giữa Thế Giới Di Động và Trần Anh được công bố lần đầu vào giữa tháng 8/2017, khi đó doanh nghiệp dẫn đầu thị phần điện máy muốn nhận chuyển nhượng trên 25% vốn cổ phần của Trần Anh mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Đến giữa năm sau, Thế Giới Di Động nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 99,33% và thay đổi toàn bộ ban điều hành.

Lãnh đạo Trần Anh từng cho biết trong quá trình chuyển giao và tiếp nhận, hoạt động kinh doanh có sự gián đoạn và thay đổi lớn như chính sách mua hàng, dự trữ hàng, giá bán... Doanh thu giảm mạnh do thông tin về thương vụ này ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và nhà cung cấp. Cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty giảm gần 5 lần so với thời điểm đầu năm, chỉ còn hơn 215 tỷ đồng.

Chuyên đề