TP.HCM: Tiềm năng điện mặt trời mái nhà còn rất lớn

(BĐT) - Đó là đánh giá của ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn Thành phố. Nhằm khai thác tiềm năng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, quy định về giá mua điện cho các hệ thống ĐMTMN có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 1/7/2019.
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP.HCM có 6.407 công trình điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện với công suất là 81,97 MWp
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP.HCM có 6.407 công trình điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện với công suất là 81,97 MWp

Các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Chính phủ quyết định giá mua ĐMTMN là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương với 8,38 UScent/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho các năm tiếp theo.

Giá mua điện này được áp dụng cho hệ thống ĐMTMN có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và có thời điểm vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện.

Với giá mua điện nói trên, thời gian hoàn vốn trung bình của 1 dự án ĐMTMN vào khoảng 5 - 6 năm. Bên cạnh đó, việc lắp đặt ĐMTMN sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới. Đồng thời, lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh. Về lâu dài, chủ đầu tư có thể có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng ĐMTMN dư phát ngược lên lưới điện.

EVNHCMC đã ủy quyền cho các công ty điện lực trực thuộc (CTĐL) ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN với các chủ đầu tư. Các CTĐL theo dõi, kiểm soát chỉ số và thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư lắp đặt ĐMTMN.

Các CTĐL sẽ kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện nhằm tránh tình trạng quá tải đường dây, máy biến áp phân phối theo nguyên tắc: Tổng công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, máy biến áp phân phối trung, hạ áp.

Hiện nay, việc sử dụng điện mặt trời đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp Thành phố. Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP.HCM, TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Vào mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM là rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.

TP.HCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng điện cho phát triển được TP.HCM triển khai từ lâu và đạt được một số thành quả nhất định. Đến nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của Thành phố, hầu hết là ĐMTMN được phát triển mạnh mẽ trong năm 2019. Trong thời gian tới, để đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh, tỷ trọng này dự kiến tiếp tục được nâng cao.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã có 6.407 công trình ĐMTMN được thực hiện với công suất là 81,97 MWp. Riêng 3 tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình được thực hiện với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng ĐMTMN phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán 5,67 tỷ đồng mua ĐMTMN.

Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm như sau: hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông) là 153,95 MWp; nhóm sản xuất là 1.471,77 MWp; nhóm thương mại là 145,88 MWp. Nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp thì ĐMTMN sẽ có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Ông Bùi Trung Kiên cho biết: “Để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng ĐMTMN, EVNHCMC sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời”.

EVNHCMC cũng liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau…) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP.HCM tham gia đầu tư ĐMTMN. EVNHCMC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất.

Để phát triển Chương trình Năng lượng mặt trời áp mái năm 2020, EVNHCMC đã thông qua Sở Công Thương kiến nghị UBND Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng ĐMTMN; khuyến khích, cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện; đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn (chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn...); làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để đề xuất các khoản hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại cho các chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt điện mặt trời; làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để triển khai các chương trình ưu đãi...

Đồng thời, EVNHCMC phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành có hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai ĐMTMN. Các vướng mắc này liên quan đến việc chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống ĐMTMN (pin, inverter…) nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, hiện có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt, sử dụng điện mặt trời. Ngoài ra, các quy chuẩn xây dựng hiện nay chưa mang tính bắt buộc, nên khi lắp đặt ĐMTMN phải thiết kế lại hệ thống điện nguồn; chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt ĐMTMN; chưa có hướng dẫn về việc xử lý, tái chế tấm pin sau sử dụng; chưa có quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống ĐMTMN và bán điện lại cho khách hàng.

Chuyên đề