Tình hình trả lời kiến nghị của doanh nghiệp: Vẫn nặng về giải thích

(BĐT) - Năm 2019, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn còn 223 kiến nghị của doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Đối với các bộ, ngành, Bộ Tài chính còn 29 kiến nghị chưa trả lời, Bộ Tài nguyên và Môi trường là 29 kiến nghị... Đối với các địa phương, TP.HCM còn 8 kiến nghị, TP. Hà Nội còn 5 kiến nghị, Quảng Ninh còn 3 kiến nghị chưa trả lời...
Cần coi việc xử lý kiến nghị của DN là biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Ảnh: Lê Tiên
Cần coi việc xử lý kiến nghị của DN là biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Ảnh: Lê Tiên

Về chất lượng giải quyết kiến nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho biết, trong năm 2019, VCCI đã tổ chức 2 cuộc khảo sát nhanh đối với gần 1.000 DN có kiến nghị gửi các bộ, ngành trong năm 2018 và 2019. Kết quả cho thấy, có 37,9% số DN trả lời hài lòng, 17,7% trả lời rất hài lòng, 40,7% trả lời chưa hài lòng. Còn tại các địa phương, kết quả đánh giá tương ứng là 27,7%, 9,6%, 31,6%.

Trong số các lý do chưa hài lòng với việc trả lời, giải quyết kiến nghị, có tới 41,4% số DN được khảo sát cho rằng nội dung trả lời còn chung chung, nặng về giải thích, mà không giải quyết vấn đề DN kiến nghị. 14,7% cho rằng cần phải sửa đổi các quy định pháp luật mới giải quyết được vấn đề, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm. 11% phản ánh cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết. Ngoài ra, còn có 8,9% số DN phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị...

So sánh với năm 2018, VCCI cho rằng, tỷ lệ các DN, hiệp hội DN chưa hài lòng với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 có xu hướng tăng. Trong đó, tỷ lệ đánh giá câu trả lời còn chung chung, không đưa ra cách thức giải quyết tăng mạnh (6 tháng cuối năm 2019 là 48,5%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 34,29% của cùng kỳ năm 2018). Tỷ lệ DN, hiệp hội DN phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị cũng tăng cao, từ 5,71% của 6 tháng đầu năm 2018 lên 12,1% cùng kỳ năm 2019.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong 2 năm gần đây, kết quả giải quyết của các bộ, ngành, địa phương đối với các kiến nghị hành chính của DN có nhiều bước tiến. Mặc dù vậy, theo ông Tô Hoài Nam, kết quả này vẫn chưa đạt được chuẩn chung theo quy định của pháp luật và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của DN. Nội dung trả lời vẫn còn “mênh mông”, chưa giải quyết triệt để các vấn đề DN kiến nghị, trong khi cái DN cần là nội dung trả lời cụ thể, rõ ràng. Đa số là các kiến nghị liên quan đến tranh chấp, bất đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN trong lĩnh vực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, xây dựng, quyền sở hữu trí tuệ... Có tình trạng các bộ, ngành và địa phương chậm trả lời, không trả lời, né tránh trách nhiệm...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ, ngành nhận được nhiều văn bản kiến nghị của DN và cũng được bình chọn là bộ giải quyết các kiến nghị nhanh nhất với lượng tồn đọng trên tổng số kiến nghị nhận được thấp, số lượng văn bản trả lời đúng hạn cao. Đây là ghi nhận của VCCI nêu trong báo cáo trình Chính phủ về việc tập hợp và trả lời kiến nghị DN của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019.
Là DN từng gửi văn bản kiến nghị tới một số bộ, ngành trong 2 năm qua, ông Hoàng Chung Thành - Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng công trình HHP Việt Nam chia sẻ, DN chưa thực sự hài lòng với kết quả trả lời kiến nghị của một số bộ, ngành. Thời gian trả lời kiến nghị quá dài, trên 1 tháng. Điều này làm ảnh hưởng tới hoạt động của DN, khiến DN phân tâm, mất niềm tin. Một số văn bản trả lời kiến nghị chưa đi vào vấn đề trọng tâm, chung chung, gây khó hiểu.

Ngoài ra, theo ông Thành, còn phải kể đến nguyên nhân từ phía DN. Khi kiến nghị, một số DN đặt vấn đề không rõ ràng, không tìm hiểu và nghiên cứu kỹ văn bản pháp luật trước khi hỏi, gửi không đúng địa chỉ cần hỏi...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, VCCI kiến nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của DN, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Cộng đồng DN mong muốn, trong năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, cũng như các điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho cộng đồng DN như Chính phủ đã đề ra.

Đưa ra giải pháp giải quyết kiến nghị của DN, ông Tô Hoài Nam cho rằng, Chính phủ cần tăng cường, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh quá trình giải quyết kiến nghị của DN và xử lý gọn, dứt điểm các vấn đề được nêu. Chính phủ phải coi việc xử lý kiến nghị của DN là biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Theo ông Hoàng Chung Thành, thời gian trả lời kiến nghị nên rút ngắn còn khoảng 1 tuần. “Nên chăng, các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế phản hồi cho DN kịp thời qua tin nhắn, thư điện tử (email), từ bước xác nhận đã tiếp nhận văn bản, chuyển văn bản đến đâu, cho đến kết quả xử lý kiến nghị”, ông Thành khuyến nghị.

Chuyên đề