Thương hiệu Việt trong “tầm ngắm” của nhà đầu tư ngoại

(BĐT) - Với sự tham gia ngày một sâu của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường tài chính Việt Nam, các doanh nghiệp Việt đã nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc phát triển sản phẩm, kinh nghiệm quản lý... Thậm chí, bóng dáng các “ông lớn” nước ngoài cũng đang dần chi phối các thương hiệu Việt đầu ngành.
Nếu thương vụ chào mua 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang thành công, Taisho sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên tỷ lệ chi phối 56,68%. Ảnh: Hoa Liên
Nếu thương vụ chào mua 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang thành công, Taisho sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên tỷ lệ chi phối 56,68%. Ảnh: Hoa Liên

Ngành dược hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Thực tế, làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) ngành dược vẫn luôn âm thầm diễn ra. Đặc biệt, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có hiệu lực đã tạo động lực khiến làn sóng này trở nên mãnh liệt vào giai đoạn 2016 - 2017, khi Nghị định quy định về các doanh nghiệp đại chúng có thể nới room ngoại lên 100% thay vì con số 49% như trước đó.

Điểm lại trong vòng 2 năm qua, một số doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam đã bị chi phối bởi nhà đầu tư ngoại, như tại Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (Abbott đã hoàn tất sở hữu 51,7% vốn điều lệ), hay Stada Service Holding B.V - doanh nghiệp đến từ Hà Lan hiện đang sở hữu 62% vốn điều lệ Pymepharco.

Mới đây nhất là trường hợp nhà đầu tư đến từ Nhật, Taisho chào mua công khai 28,3 triệu cổ phiếu Dược Hậu Giang. Và nếu thương vụ thành công, cùng với số cổ phần hiện có, Taisho sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên tỷ lệ chi phối 56,68%.

Dược Hậu Giang được đánh giá là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường. Đây cũng là công ty dược duy nhất nằm trong top 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018, được Forbes định giá 53,7 triệu USD.

Sản phẩm của Dược Hậu Giang tập trung vào các dòng thuốc generic cơ bản, giá rẻ như kháng sinh, giảm đau hạ sốt và tim mạch với danh mục hơn 300 sản phẩm. Cùng với hệ thống phân phối rộng khắp, tổng doanh thu của Công ty năm 2018 đạt xấp xỉ 4.420 tỷ đồng – chiếm gần 5% thị phần tổng thị trường dược phẩm.

Sau giai đoạn tăng trưởng 2010 - 2015 với tốc độ bình quân từ 10 - 15%, doanh thu và lợi nhuận của Dược Hậu Giang đã có dấu hiệu chững lại trong 2 năm trở lại đây.

Theo chuyên gia, trên vai người khổng lồ, không chỉ giúp Dược Hậu Giang nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mà người dùng trong nước cũng được hưởng nhiều lợi ích gia tăng. Lần đầu tiên, người bệnh từ thành thị đến nông thôn có thể dùng thuốc nội, thuốc hạ sốt Hapacol, kháng sinh, NattoEnzym… đạt tiêu chuẩn quốc tế với mức giá phải chăng, cũng như tìm mua thuận tiện thông qua hệ thống phân phối hơn 28.000 nhà thuốc đại lý khắp 63 tỉnh, thành.

Nhờ trợ lực của Taisho, đến cuối 2018, nhà máy của Dược Hậu Giang được công nhận đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP, qua đó hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á. Hay vào tháng 2 vừa qua, Dược Hậu Giang đã nhận được giấy chứng nhận PMDA cho dây chuyền viên nén Non-Betalactam từ Bộ Y tế Nhật Bản. 

Bóng dáng nhà đầu tư ngoại tại 2 doanh nghiệp nhựa đầu ngành

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41 kg/người/năm (thấp hơn so với mức trung bình 48 kg/người/năm của châu Á và mức trung bình 70 kg/người/năm của thế giới). Với tiềm năng còn rất lớn, ngành nhựa Việt Nam cũng trong tầm ngắm M&A của các nhà đầu tư ngoại.

Tại thị trường trong nước, Nhựa Bình Minh (Công ty CP Nhựa Bình Minh) và Nhựa Tiền Phong (Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong) hiện là 2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành ống nhựa xây dựng - vật liệu cơ bản và cực kỳ quan trọng đối với các nhà thầu xây dựng.

Cùng ngành, nhưng thị trường của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong tương đối tách biệt, “mỗi bên hùng cứ một phương”. Cụ thể, Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 50% thị phần phía Nam trong khi Nhựa Tiền Phong làm chủ khoảng 70% thị phần phía Bắc.

Trong khi Nhựa Bình Minh đã được “đại gia” Thái Nawaplastic Industries nắm tỷ lệ chi phối 54%, thì Nhựa Tiền Phong đang được hỗ trợ khá tích cực từ cổ đông lớn Sekisui Chemical đến từ Nhật Bản (hiện đang nắm giữ 15%). Trong khi đó, cổ đông nhà nước hiện đang nắm giữ 37,1% Nhựa Tiền Phong đã có kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới. Điều này mở ra cơ hội cho Sekisui Chemical gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp nhựa lớn nhất miền Bắc này.

Vào tháng 7/2017, Sekisui Chemical đã ký kết hợp tác toàn diện và cổ đông chiến lược với Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Miền Nam (Tiền Phong Nam - Công ty thành viên của Nhựa Tiền Phong) để sở hữu 25% vốn tại đơn vị này. Đây được xem là một bước đi mới trong quan hệ hợp tác hai bên.

Thực tế, mối quan hệ giữa Sekisui Chemical với Nhựa Tiền Phong đã bắt đầu “lộ diện” ngay từ năm 2013 khi mà nhà đầu tư đến từ Thái, Nawaplastic Industries vẫn đang hiện diện với vai trò cổ đông lớn thứ hai tại Nhựa Tiền Phong. Sekisui Chemical và Nhựa Tiền Phong đã ký hợp đồng hợp tác trong việc bán sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật.

Trong đó, Nhựa Tiền Phong sẽ chịu trách nhiệm như một kênh phân phối các sản phẩm của Sekisui Chemical, bao gồm sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC cho các dự án ODA của Nhật ở Việt Nam và các dự án khác. Mặt khác, Nhựa Tiền Phong sẽ được nhận chuyển giao từ Sekisui các công nghệ, khuôn, các thiết bị để tiến hành sản xuất và bán các sản phẩm trên mang nhãn hiệu của Sekisui.

Sau một thời gian ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 10%/năm từ 2011 - 2017, hiện doanh thu và lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong đang có dấu hiệu chững lại. Và việc gia tăng hợp tác chặt chẽ hơn với Sekisui sẽ là một giải pháp giúp Nhựa Tiền Phong tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ trên sân nhà mà cả thị trường quốc tế.

Những dẫn chứng từ ngành dược và nhựa cho thấy sự phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam là xu hướng tất yếu, đồng nhịp với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, hội nhập quốc tế.

Theo KPMG, thị trường M&A trong nước đang được dẫn dắt bởi khối ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với tỷ trọng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thị trường Việt Nam được đánh giá là môi trường hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là trong 10 năm qua (từ năm 2008 - 2018), tổng giá trị thương vụ M&A đạt 48,8 tỷ USD và hàng ngàn giao dịch thành công. Trong đó, riêng năm 2017, giá trị M&A đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD.

Chuyên đề