Thương hiệu và khát vọng hùng cường

(BĐT) - Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chốt phương án chọn hình ảnh cây cổ thụ tại Vườn Bách thảo Hà Nội là hình ảnh chủ đạo cho bộ phim kỷ niệm 20 năm thành lập Ngân hàng.
Các doanh nhân sum vầy quanh tượng đài Mẹ Việt Nam, hướng về biển đảo quê hương và hát quốc ca. Ảnh: Trần Thường
Các doanh nhân sum vầy quanh tượng đài Mẹ Việt Nam, hướng về biển đảo quê hương và hát quốc ca. Ảnh: Trần Thường

Theo ông Hiển, cây cổ thụ là biểu tượng cho sự phát triển bền vững qua hàng trăm năm, có sự khởi đầu, có sự tiếp nối. Ông mong muốn thương hiệu SHB cũng sẽ phát triển bền vững như chính cây cổ thụ vậy.

Có lẽ không chỉ ông Hiển, hàng trăm nghìn doanh nhân trong 740 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp lãnh thổ Việt Nam đều mang khát vọng đưa tên tuổi, thương hiệu doanh nghiệp của mình phát triển bền vững. Hơn bao giờ hết, ở thời điểm hiện tại, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với sự phát triển bền vững, trường tồn của quốc gia, dân tộc.

Mới đây tại Đà Nẵng, lần đầu tiên hơn 1.000 doanh nhân đã tụ hội để tham gia Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình". Các doanh nhân đã sum vầy quanh tượng đài Mẹ Việt Nam, hướng về biển đảo quê hương và hát quốc ca. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 đã đưa các thế hệ doanh nhân Việt hội tụ. Tại diễn đàn này, các doanh nhân đã tham gia vào nhiều sự kiện giàu ý nghĩa và xúc động như: Đối thoại với chủ đề “Làm gì để Tinh thần Việt Nam trở thành sức mạnh thần kỳ để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số?”, hưởng ứng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"... 

Tại sự kiện quy tụ đông đảo doanh nhân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ: “Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện; chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Còn PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore thì có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai phồn vinh, tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Theo ông, đất nước Việt Nam có hình chữ S nên để thành công, doanh nghiệp Việt cũng phải làm được 3 chữ "S". Chữ S tiên quyết nhất là Survival (sống còn) - trong môi trường khắc nghiệt hiện nay, doanh nghiệp phải không ngừng vươn lên, ngày càng phải phồn vinh hơn mới có thể tồn tại được. Chữ S thứ hai là Synergy (hiệp lực) - chỉ khi huy động được nguồn lực chung của toàn xã hội và khi các doanh nghiệp bắt tay nhau vì mục đích phát triển bền vững thì mới có thể tạo nên nguồn lực mạnh mẽ. Chữ S thứ ba là Surprise (tính bất ngờ) - doanh nghiệp phải tìm được hướng đi phù hợp và mới lạ, mới lạ ngay cả trong những phương thức đã cũ.

Trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, có thể nhận thấy khí thế, sự hào sảng của đội ngũ doanh nhân hiện nay. Những trăn trở, hoài bão về sự phát triển bền vững của thương hiệu và doanh nghiệp, hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội chính là những thông điệp đầy giá trị, lan tỏa rộng khắp, là điểm tựa cho thành công của các doanh nhân trong tương lai.

Chuyên đề