“Thương chiến” Mỹ - Trung: Doanh nghiệp Việt không nên làm ăn “chụp giật”

(BĐT) - Tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM ngày 16/11/2018, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà làm hỏng tương lai, bởi chỉ cần một số doanh nghiệp làm ăn “chụp giật” cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp khác.
Tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM ngày 16/11/2018, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các doanh nghiệp trong nước không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà làm hỏng tương lai, bởi chỉ cần một số doanh nghiệp làm ăn “chụp giật” cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp khác.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh cao, nhất là hàng dệt may. Ảnh: Internet.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh cao, nhất là hàng dệt may. Ảnh: Internet.

Các mặt hàng tương đồng có lợi thế cạnh tranh cao

Theo ông Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân BizLight, trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam tuy là một trong những nước đứng ngoài cuộc nhưng chịu rất nhiều tác động khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Xét về yếu tố tích cực, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh cao, có cơ hội thay thế thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Cụ thể, đợt đánh thuế đầu tiên của Mỹ lên tới 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thì các mặt hàng tương tự sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ chiếm khoảng 550 triệu USD. Nhưng với lần đánh thuế mới nhất của Mỹ lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giá trị hàng hóa tương đồng với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới gần 13 tỷ USD. Đó là một minh chứng về sự tạo ra cơ hội mở rộng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng của Việt Nam nhìn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Rõ ràng, tác động cuộc chiến tranh thương mại này đã lan tỏa khắp hệ sinh thái thương mại toàn cầu và ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn như đồ gỗ nội thất, nông – thủy sản, dệt may, vali – túi xách… được hưởng lợi sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến sẽ nâng mức thuế này lên 25% từ đầu năm 2019, đồng thời áp thuế với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với mức thuế từ 8 -10%, thấp hơn mức thuế áp dụng cho hàng Trung Quốc từ 15 -17%. Đáng lưu ý, hiện có hơn 60% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, trong khi việc xung đột với Mỹ trong cuộc chiến thương mại nói trên đã làm cho đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá trầm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ mua được nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn trước đây.

Doanh nghiệp Việt dễ bị tổn thương do sức ép cạnh tranh

Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các nguồn hàng thay thế Trung Quốc của Mỹ là rất lớn, nhưng cơ hội đó được chia đều cho nhiều quốc gia chứ không phải dành riêng cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam rất khó có khả năng để thay thế Trung Quốc trong việc cung ứng các đơn hàng lớn cho thị trường Mỹ. Đó là thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam từ những gì đang diễn ra của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Ngô Võ Minh Hưng, Giám đốc kinh doanh toàn cầu Công ty VIFON cho hay, đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên không những không được hưởng lợi từ cuộc “thương chiến” này mà còn rất dễ bị tổn thương do chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Bởi so với Trung Quốc hay các quốc gia có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng trong khu vực thì quy mô sản xuất của Việt Nam còn rất nhỏ mà thị trường Mỹ lại đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao với hàng hóa nhập khẩu.

Nguy cơ lớn nhất là Việt Nam rất có thể trở thành địa điểm chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc dưới hình thức tạm nhập tái xuất hoặc chế biến giả để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu qua Mỹ. Nếu điều này xảy ra và bị Mỹ phát hiện sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các ngành hàng và quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải cảnh giác cao độ khi làm ăn với các đối tác Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần kiểm soát tốt hàng rào phi thuế quan, hàng rào thuế quan bởi hiện nay, hàng từ Trung Quốc xuất qua Việt Nam rất dễ nhưng hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc rất khó. Nhất là, khi doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các doanh nghiệp Trung Quốc rồi xuất khẩu hàng qua Mỹ thì các doanh nghiệp trong nước sẽ có khả năng gặp rủi ro rất lớn trong tương lai, vì nếu khi “có vấn đề” thì chắc chắn Mỹ sẽ không “để yên”. Cho nên các doanh nghiệp Việt đừng nên làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì”, mà gặp rắc rối.

Chuyên đề