Thiết lập đồng bộ các chính sách về DNNVV

(BĐT) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã nhấn mạnh nội dung này khi giới thiệu về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại cuộc Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 12/7, tại Hà Nội.
DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Ảnh: Tường Lâm
DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Ảnh: Tường Lâm

Theo Thứ trưởng Phương, DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, là khu vực có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, đặc biệt là nơi diễn ra nhiều hoạt động cải tiến, sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Trên thế giới, DNNVV được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của các nền kinh tế.

Thứ trưởng Phương cho biết, ngay cả các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay các quốc gia đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… đều coi trọng việc hỗ trợ phát triển DNNVV; coi hỗ trợ DNNVV một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia này.

Thứ trưởng Phương nhấn mạnh, Luật DNNVV vừa được Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, được xây dựng trên nguyên tắc chính là hỗ trợ DNNVV phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ DNNVV chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, Luật thiết lập đồng bộ các chính sách về hỗ trợ DNNVV; tạo khung pháp lý để khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ khối DN này.

Luật có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định DNNVV, các nguyên tắc hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hỗ trợ DNNVV. Đối tượng áp dụng là các DN được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về DN, đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 4 của Luật. 3 tiêu chí để xác định  DNNVV theo quy định của Luật là số lao động, doanh thu, nguồn vốn. Trong đó, số lao động tham gia BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

Về nội dung hỗ trợ, Luật quy định 7 nội dung hỗ trợ chung (hỗ trợ tiếp cận tín dụng, bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ về thuế, kế toán…) dành cho 3 nhóm DNNVV trọng tâm, gồm hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị….nhằm phát triển mạnh mẽ khối DNNVV tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ cuộc Họp báo, 5 luật khác cũng được công bố gồm: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Du lịch; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt.

Chuyên đề