Thế Giới Di Động đề cử chủ chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi vào HĐQT

Ông Đào Thế Vinh - Chủ tịch HĐQT Golden Gate được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập của Thế Giới Di Động nhiệm kỳ 2019-2020.

Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 3, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đề xuất bổ sung hai nhân sự mới vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2020 gồm ông Đoàn Văn Hiểu Em (người đứng đầu mảng kinh doanh điện thoại) và ông Đoàn Thế Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).

Ông Vinh là một trong 5 cổ đông cá nhân sáng lập Golden Gate, doanh nghiệp quản lý hàng loạt chuỗi nhà hàng bia tươi, lẩu nướng như: Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Gogi House, Daruma, Vuvuzela, Cowboy Jack's... Ông Vinh từng sở hữu hơn 35% cổ phần Golden Gate tại thời điểm thành lập, nhưng sau đó giảm đáng kể khi xuất hiện một cổ đông tổ chức.

Trong thông báo giao dịch mới nhất vào cuối năm 2018, ông Vinh đăng ký bán gần 440.000 cổ phần tại Golden Gate bằng phương thức thoả thuận để giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,09% xuống còn 5,33%.

Ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết ông Vinh thoả mãn yêu cầu trở thành thành viên HĐQT độc lập do không làm việc và sở hữu cổ phần, nhưng không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể của doanh nhân này trong ban lãnh đạo công ty.

Ngoài việc bổ sung nhân sự mới, Thế Giới Di Động cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành 10,6 triệu cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt trước ngày 31/3. Giá bán thấp nhất dự kiến là 10.000 đồng hoặc 50% giá thị trường. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm.

Thế Giới Di Động đặt mục tiêu năm nay thu hơn 108.000 tỷ và lãi ròng hợp nhất 3.571 tỷ đồng. Hoạt động bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận Trong đó, ngành hàng điện máy đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính, hướng đến mục tiêu chiếm khoảng 40% thị phần.

Dù đóng góp doanh thu chưa lớn, nhưng ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng được Thế Giới Di Động kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Mục tiêu trễ nhất là đến cuối năm nay các chuỗi Bách hoá xanh có lợi nhuận trực tiếp, tức bù đắp hoàn toàn tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm chi phí ở cấp độ công ty.

Chuyên đề