Tháo gỡ những trở ngại cho phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn 2021 - 2030

(BĐT) - Tăng trưởng mạnh khu vực tư nhân trong giai đoạn 2021 – 2030 là một trong những nhân tố sẽ giúp Việt Nam rút ngắn con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Theo các đối tác phát triển, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của khu vực tư nhân thông qua việc tháo gỡ 6 trở ngại liên quan đến môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng vật chất và thể chế thị trường...
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo ông Eric Sidwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, hiện Việt Nam có 6 trở ngại chính trong phát triển kinh tế tư nhân cần phải giải quyết. Đó là: môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng vật chất, doanh nghiệp nhà nước và sân chơi bình đẳng, thể chế quản lý, năng lực doanh nghiệp và quản trị môi trường.

Đánh giá sơ bộ về các nút thắt hiện tại, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết,Việt Nam đã thực thi nhiều cải cách quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bằng cách tinh giảm bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, Báo cáo Doing Business 2019 mới được công bố của WB, Việt Nam vẫn ở thứ hạng 133 trong tổng số 190 nền kinh tế trong việc giải quyết phá sản. Điều này đồng nghĩa với việc vấn đề giải quyết nợ xấu có lợi cho chủ nợ đang tạo ra rào cản đầu tư, đặc biệt đầu tư từ khu vực tư nhân.

Ngoài ra, một loạt các chỉ báo khác vẫn đang là nút thắt của Việt Nam trong tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia nhiều hơn cho sự tăng trưởng của kinh tế như: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp cơ sở hạ tầng của Việt Nam đứng thứ 79 trong số 137 quốc gia. Để duy trì vị trí là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Việt Nam sẽ cần phải tiếp tục tạo đà đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ trong thời gian tới với việc chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và giao thông. Về lâu dài, khu vực tư nhân sẽ phải tham gia góp vốn sâu hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng, đây là giải pháp giúp Việt Nam duy trì tốt cả việc kiểm soát thâm hụt tài khóa.

Ông  Ousmane Dione cũng chỉ rõ, khu vực doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù đã được mở rộng đáng kể nhưng sự kết nối với khu vực tư nhân trong nước, trong đó có DNNVV còn hạn chế. Môi trường kinh doanh mặc dù có tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng vẫn chưa đủ để cải thiện năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước. Đó là chưa tính tới những thiếu hụt về năng lực doanh nghiệp (năng lực quản lý, hệ thống sản xuất, hấp thụ công nghệ và đổi mới).

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam có nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế tư nhân thông qua sự hấp thụ công nghệ, kinh tế kỹ thuật số và đầu tư vào công nghệ tương lai như CMCN 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam tăng tốc phát triển. Trong bối cảnh này, việc nâng cao vai trò của DNNVV và sở hữu tư nhân lớn hơn trong các ngành bấy lâu nay thuộc sở hữu của Nhà nước theo ông Eric Sidwick là, sẽ giúp mở rộng lợi ích xã hội, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và thức đẩy hiệu quả sự phát triển của khu vực tư nhân.

Đóng góp các giải pháp cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam, các đối tác phát triển cho rằng, Việt Nam cần tập trung giải quyết 6 trở ngại chính nêu trên.

Trong đó, cần đẩy mạnh chính sách và quản lý thuế có hiệu quả và minh bạch hơn, nghiên cứu một mức thuế suất cho các DNNVV. Thúc đẩy chính phủ điện tử và chia sẻ dữ liệu trên internet để cải thiện tính minh bạch và chất lượng dịch vụ công, ưu tiên việc triển khai và lồng ghép mua sắm công, đấu thầu điện tử. Tăng cường cơ chế đối thoại công tư giữa DN trong nước, đặc biệt là DNNVV với Chính phủ.

Để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng, đại diện ADB đánh giá, Việt Nam cần thông qua Luật PPP có tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất sẽ tạo hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Riêng với năng lực của doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần có các chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo và giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩn của họ cho các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Chuyên đề