Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN

(BĐT) - Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của DNNN, DN cổ phần hóa sang xây dựng, kinh doanh nhà ở giai đoạn 2011-2017; phối hợp với cơ quan thanh tra các cấp thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục.
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của DNNN. Ảnh: Internet
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của DNNN. Ảnh: Internet

Đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 73/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành về Chương trình hành động của Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN).

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau cổ phần hóa, đảm bảo tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa DN; chỉ đạo rà soát toàn bộ các phương án sử dụng đất đã được phê duyệt cho các DN, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát để xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các DN thuộc đối tượng phải cổ phần hóa nhưng chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất và các DN đã cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất cho phù hợp với quy định.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo các DN thuộc phạm vi quản lý rà soát diện tích đất đang quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Rà soát, xử lý các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn vừa qua; xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của DN.

Công khai thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định hiện hành.

Chuyên đề