Tập đoàn Cao Su niêm yết 2,4% vốn điều lệ trên UpCom

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo chấp thuận cho Tập đoàn Cao su Việt Nam được đăng ký giao dịch trên HNX đối với số cổ phần trúng đấu giá tổ chức ngày 2/2 vừa qua tại HOSE.
Trang web của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Trang web của Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Theo đó, ngày 21/3 tới, 99,14 triệu cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) chính thức giao dịch trên UpCom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.000 đồng.

Được biết, ngày 2/2/2018, HOSE đã tổ chức buổi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tổng số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 475.123.761 cổ phần, tương ứng 11.88% vốn điều lệ, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. với tổng số nhà đầu tư tham gia có 499 nhà đầu tư, trong đó có 36 nhà đầu tư tổ chức và 463 nhà đầu tư cá nhân. Tổng số cổ phần bán 100.762.400 cổ phần, tương ứng 21.21% tổng số lượng cổ phần chào bán, với mức giá 13.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần trúng giá là hơn 1.311 tỷ đồng.

Vốn điều lệ hiện tại của GVR đạt 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần phổ thông và khối lượng cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM chỉ bằng 2,4% vốn điều lệ của Tập đoàn.

Theo phương án đã được duyệt, vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - Công ty Cổ phần là 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 4 tỷ cổ phần, mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, trong đó, 3 tỷ cổ phần nhà nước, chiếm 75% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 475.123.761 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 11,88% vốn điều lệ; 48.921.710 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, chiếm 1,22% vốn điều lệ; 830.769 cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, chiếm 0,02% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là 13.000 đồng/cổ phần. Như vậy, vốn hóa của VRG đạt 52.000 tỷ đồng. Cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn bộ phần vốn Nhà nước tại tập đoàn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Trong đó bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm và quy định rõ quyền ưu tiên của nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Chuyên đề