Tạo nền tảng đổi mới sáng tạo cho DN tư nhân phát triển

(BĐT) - 98,1% doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, nhưng không thể phủ nhận việc ngày càng nhiều DN tư nhân, tập đoàn kinh tế có năng lực đang “trỗi dậy” mạnh mẽ. 
Các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh của cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là nền kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên
Các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh của cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là nền kinh tế số. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể cả DN lớn như các tập đoàn kinh tế hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) muốn phát triển mạnh trong thời gian tới đều cần phải khuyến khích cạnh tranh, lấy đổi mới sáng tạo, tiên phong trong chuyển đổi số là nền tảng để phát triển.

Tạo dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo

Sáng 19/12, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân Việt Nam đồng tổ chức.

Với mục tiêu khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng DN, doanh nhân tư nhân trong việc đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được các chuyên gia, DN nhấn mạnh là những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế tư nhân.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, là một trong các địa phương có số lượng DN đang hoạt động và thành lập mới tương đối lớn nên thời gian qua TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV. Một trong số những chính sách trọng tâm là hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Đáng chú ý, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đang là một trong những hướng ưu tiên hỗ trợ của TP. Hà Nội. Hướng đi này sẽ giúp phát triển các loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Theo ông Mạc Quốc Anh, với tiềm năng lớn trong việc hình thành các DN công nghệ cao, Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…, từ đó kiến tạo môi trường để thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan đến kiến tạo sự đổi mới, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho rằng, tất cả các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh của cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là nền kinh tế số nhằm xây dựng xã hội số, chính phủ số, công dân số. Để có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh này, theo ông Thắng, cần có 3 thành tố: thể chế, nền tảng kiến tạo sự đổi mới; công nghệ đổi mới sáng tạo, cải tiến ứng dụng sử dụng công nghệ cao; và con người. Trong đó, các DN đóng vai trò tiên quyết. 

Tập đoàn kinh tế cũng cần đầu tư cho công nghệ

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong 10 năm qua, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển nhanh chóng. Trong đó, các tập đoàn kinh tế từ chỗ kinh doanh một vài sản phẩm đã chuyển sang kinh doanh đa ngành; từ chỗ làm giàu nhờ vào bất động sản, thương mại chuyển sang làm giàu bằng công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, coi trọng chất lượng, hiệu quả và thương hiệu; bước đầu đã đầu tư tại một số nước, trở thành công ty xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, trong số những ngành mà các tập đoàn kinh tế lớn phát triển tại Việt Nam, công nghệ tin học mới chỉ chiếm 9,2%. Chỉ có số ít tập đoàn đi tiên phong trong nhập khẩu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, đó là một nhược điểm lớn mà các tập đoàn kinh tế cần thay đổi, cần coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu có đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.

Theo ông Mại, các tập đoàn kinh tế Việt Nam cần phải trả lời được 2 câu hỏi: Một là, sản phẩm của mình có gì khác biệt so với đối thủ? Hai là, lợi ích nào có thể tạo ra nhu cầu mới của khách hàng? Về phía Nhà nước, cần khuyến khích DN đổi mới công nghệ và khoa học sáng tạo bằng chính sách ưu đãi như “khấu hao nhanh”, áp dụng cơ chế thuận lợi và thủ tục đơn giản để DN tiếp cận được các quỹ đổi mới sáng tạo của ngành và của địa phương.

Chuyên đề