Tản mạn về “Phi thương bất phú”

(BĐT) - Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, câu thành ngữ “Phi thương bất phú” mà ông cha ta đúc kết là một chân lý sống đã được kiểm nghiệm, minh chứng tự bao đời. Tuy nhiên, chưa khi nào, câu thành ngữ quen thuộc nói trên lại hội tụ đủ điều kiện để dễ thành hiện thực với mỗi người dân Việt như bối cảnh của đất nước hôm nay…
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, những nhà tư sản yêu nước, không tiếc tiền của vì nền độc lập dân tộc
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, những nhà tư sản yêu nước, không tiếc tiền của vì nền độc lập dân tộc

Những ngày đầu tiên của năm cuối cùng thập kỷ thứ hai, thiên niên kỷ hai nghìn đã gõ cửa mỗi thôn làng, ngõ phố. Có thể khẳng định, khát vọng về một nước Việt hùng cường, giàu đẹp, đủ  sức “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của vị Cha già dân tộc chưa bao giờ lại vang lên sâu lắng, mạnh mẽ trong gần một trăm triệu người Việt Nam như những tháng ngày này. Làm giàu cho chính mình, làm giàu cho đất nước thực sự đã trở thành thông điệp mà Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đang gửi gắm cho toàn xã hội và mỗi cá nhân trong kỷ nguyên mới của hội nhập và phát triển.

Trở lại với lịch sử đất nước, dù sớm nhận thức rõ vai trò quan trọng của công thương nhưng ở rất nhiều thời kỳ, dường như việc luôn phải lo chống giặc ngoại xâm khiến ông cha ta không đủ thời giờ, tâm trí để xây dựng và phát triển đất nước phồn thịnh theo đúng ý nghĩa của câu thành ngữ “Phi thương bất phú”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đều có chung nhận xét, ở thời kỳ nào, sứ mệnh cao nhất của ông cha ta trước hết là giữ gìn giang sơn gấm vóc trước khi nghĩ tới việc phát triển, dựng xây.

Mặc dù vậy, giới doanh nhân và thương gia Việt trong lịch sử cũng có một chỗ đứng không lẫn, để cho ra đời nhiều thương hiệu hàng Việt, điển hình là gốm Chu Đậu nổi tiếng từ thế kỷ XIII; để góp phần làm nên một “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” phía Bắc và một Hội An sầm uất bậc nhất ở phía Nam Trung Bộ.

Nếu như coi giai đoạn Pháp thuộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là “cuộc hội nhập bất đắc dĩ” của đất nước lần thứ nhất như quan điểm của một số nhà sử học thì đây cũng là thời kỳ minh chứng rõ nhất câu thành ngữ  “Phi thương bất phú” trong cộng đồng “con Lạc, cháu Hồng”. Một lớp doanh nhân năng động, không mãi chịu cảnh làm thuê cho ngoại bang đã biết nắm bắt cơ hội phát triển, trở thành những nhà tư sản dân tộc, cho thấy năng lực và truyền thống kinh doanh đáng tự hào của người Việt…

Họ là “ông vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi; vợ chồng doanh nhân tơ lụa Trịnh Văn Bô; là nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện; là các doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực in ấn: Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Long. Là ông chủ thuỷ tinh Thanh Đức - Trịnh Đình Kính; gạch ngói Hưng Ký của Trần Văn Thành; là Nguyễn Sơn Hà, ông chủ Hãng sơn Gecko… Nếu như hãng tàu biển của doanh nhân Bạch Thái Bưởi sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu biển Pháp thì thương hiệu Phúc Lợi của cặp vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã bán tơ lụa không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ mà còn vươn tới Pháp, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ…

Không hề khó hiểu khi trong những thời khắc ngặt nghèo nhất của cách mạng Việt Nam, Đảng và Bác Hồ luôn được sự hậu thuẫn của những nhà tư sản yêu nước, không tiếc tiền của vì nền độc lập dân tộc. Ngôi nhà đầu tiên Bác Hồ bí mật nghỉ chân tại nội thành Hà Nội là nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô, một cơ sở nuôi giấu cán bộ và được coi như một trong những “ngân hàng” của cách mạng thời kỳ này. Cũng tại đây, Người đã cho ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch là người hiểu rõ nhất vai trò quan trọng của giới công thương Việt Nam nên trong những ngày chính quyền non trẻ phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài”, với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, Người đã dành cho giới công thương và doanh nhân Việt Nam sự quan tâm sâu sắc, ân cần và to lớn nhất. Trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Người khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng…”.

Đáng tiếc sứ mệnh giải phóng dân tộc đã không cho phép chúng ta thực hiện ngay và đầy đủ tư tưởng tiến bộ về phát triển công thương và kinh doanh năm 1945 của Bác Hồ. Trải qua thời kỳ xây dựng đất nước với mô hình kinh tế bao cấp, không thể phủ nhận có những giai đoạn chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của các nhà công thương, của tầng lớp doanh nhân trong sự nghiệp phát triển, dựng xây…

Phải từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), cơ chế mở cửa, thông thoáng đã từng bước làm nên thế và lực mới của Việt Nam để cho các doanh nhân từng bước vươn lên thỏa chí làm giàu và ngày càng lớn mạnh. Không chỉ kế thừa tinh hoa trong kinh doanh của các thế hệ cha ông, giới doanh nhân Việt hôm nay luôn đồng hành với dân tộc, coi việc đóng góp với cộng đồng, xã hội là nghĩa vụ, là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng.

Không thể kể hết những doanh nhân đang làm rạng danh tên tuổi Việt Nam với bè bạn toàn cầu. Đó là những cái tên: Trương Gia Bình với Tập đoàn công nghệ FPT; Trần Bá Dương với Tập đoàn Thaco - Trường Hải; là “ông vua thép” Trần Đình Long với thương hiệu Hoà Phát; là “nữ tỷ phú hàng không” Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo; nữ doanh nhân châu Á tiêu biểu Mai Kiều Liên gắn liền thành công rạng rỡ của Vinamilk. Và hơn hết, là vị tỷ phú tầm cỡ quốc tế Phạm Nhật Vượng, người quyết đưa Vingroup trở thành tập đoàn công nghiệp, công nghệ hàng đầu khu vực và thế giới, chỉ trong thời gian ngắn đã cho ra đời sản phẩm ô tô Việt VinFast, điện thoại Việt VinSmart… Họ thực sự đang là những “con sếu đầu đàn” của cả nền kinh tế.

Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: "Trong lời nói, hành động của Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đoàn Nguyên Đức… thể hiện về một khát vọng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước này. Tôi tin là họ nói thật chứ không đạo đức giả hay mua chuộc kiểu dân tuý. Tôi cũng tin là họ muốn trở nên lớn hơn để giúp Tổ quốc hùng cường".

Bên cạnh đi đầu trong trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân đã thực sự là “ngôi nhà chung” lo đời sống ấm no cho hàng triệu gia đình. Tầng lớp doanh nhân Việt đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Gần đây nhất, tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam…”.  “Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương - (Tập đoàn TH True Milk), 100 bà làm về sữa như bà Kiều Liên (Vinamilk)".

Chưa bao giờ, các việc làm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, làm giàu bằng sự chia sẻ kinh nghiệm, vốn, cách thức thực hiện… lại nở rộ tại từng hội nghị, diễn đàn, kênh truyền thông như những ngày này. Hàng ngàn startup đang được ươm mầm, cổ vũ, tạo điều kiện phát triển. Hàng vạn ý tưởng kinh doanh được xã hội lắng nghe, nâng niu, tôn trọng, chắp cánh để sớm hiện thực hoá… Và mong ước về một lớp người Việt mới biến thành ngữ “Phi thương bất phú” thành chân lý sống gắn với một nước Việt là cường thịnh, chưa bao giờ lại gần gũi và hiện hữu như thế, hôm nay.

Chuyên đề