Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Còn nhiều nỗi lo

(BĐT) - Chỉ chiếm 0,5% về số lượng, nhưng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại đóng góp tới 36% về nộp ngân sách của các doanh nghiệp năm 2016. 
Nhiều thương vụ IPO “ế” như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều thương vụ IPO “ế” như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khối DN này hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ. Đến thời điểm này, nửa chặng đường quá trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2018 đã qua, nhưng vẫn còn không ít tồn tại khiến những mục tiêu đề ra sẽ khó đạt.

Tiến độ ì ạch

Đầu tiên, nhiều khả năng đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN. Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, năm 2018, phải CPH 85 DN và thoái vốn tại 181 DN, thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 8 DN được phê duyệt phương án CPH và chỉ thực hiện thoái vốn tại 5 DN. Như vậy, tiến độ triển khai CPH và thoái vốn nhà nước mới chỉ đạt được khoảng 10% kế hoạch và có khả năng không đạt được kế hoạch năm 2018. Trước đó, trong năm 2017, tiến độ CPH cũng chỉ đạt được non nửa kế hoạch đề ra (47,7%).

Ngoài ra, chất lượng CPH, thoái vốn DNNN cũng là một câu chuyện đáng bàn. Kết quả thực hiện từ năm 2016 đến nay cho thấy, nhiều khả năng khó hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 27/NQ-CP là "Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định". Nhiều thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gặp khó, hay tỷ lệ trúng giá thấp, số tiền thu về không đáng kể, dẫn tới không giảm được tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch. Nhiều thương vụ IPO “ế” như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Sông Đà…

Nguồn: Tổng hợp báo cáo Chính phủ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến nay còn khoảng 2.800 DN có vốn nhà nước, trong đó phần lớn DN hoạt động trong ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Do đó, từ nay đến năm 2020 rất khó để hoàn thành mục tiêu thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng

Đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, nhiều chuyên gia khẳng định, đây là khối DN đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, cũng như nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả hoạt động của khối DN này hiện chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, xét trong khu vực DN 100% vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận giảm đều từ năm 2012 đến năm 2016. Tỷ lệ DN thua lỗ hằng năm không giảm, luôn có 20% DN không có lợi nhuận. So với năm 2015, tổng tài sản năm 2016 tăng 3,5%, tổng vốn chủ sở hữu tăng 4,3% trong khi tổng doanh thu giảm 1%, lợi nhuận trước thuế giảm 14%, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước giảm 7%.

Nguồn: Tính từ Niên giám thống kê 2016 của Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của DNNN chưa tương xứng giữa doanh thu và tài sản (vốn kinh doanh) ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. “Để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

Với thực trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cần tập trung vào chất lượng CPH, thoái vốn nhà nước tại khối DN này thay vì chạy theo số lượng. Việc CPH, thoái vốn phải đủ lớn để làm thay đổi cơ cấu sở hữu và thực chất quản trị. Cùng với đó, số lượng cổ phần bán ra và cách bán phải phù hợp với điều kiện cụ thể của cung cầu thị trường.

Đối với những DNNN thua lỗ, ông Cung nêu quan điểm, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, DN thua lỗ, cần thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các DN tốt, DN có tiềm năng phát triển. Trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp như: rà soát, loại bỏ hết các khoản trợ cấp (nếu có) đối với DNNN; loại bỏ các hành vi  độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên; rà soát, bổ sung sửa đổi pháp luật có liên quan; mở rộng và bảo đảm quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh của DNNN; rà soát lại danh mục dự án đầu tư; chỉ đạo, hỗ trợ và thực hiện các dự án đầu tư tốt; tập trung đầu tư vào các DN quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả (đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm).

Chuyên đề