Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Áp chỉ tiêu lợi nhuận để thay đổi quản trị

(BĐT) - Trong giai đoạn cải cách quyết liệt hiện nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và đặc biệt là DNNN sau cổ phần hóa phải thay đổi toàn diện về cách thức quản trị doanh nghiệp. Đã có không ít cá nhân phải thay đổi vị trí công tác vì không đáp ứng được yêu cầu theo cách thức quản trị mới.
Thay đổi về quản trị đã giúp VNPT cải thiện hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi
Thay đổi về quản trị đã giúp VNPT cải thiện hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

Quản trị theo thông lệ quốc tế

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một trong các giải pháp quan trọng để tái cơ cấu DNNN là từ năm 2020 đến năm 2025 phải hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế đối với DNNN.

Để thực hiện mục tiêu đó, theo Viện trưởng CIEM, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại để giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm bắt được thông tin tài chính hàng ngày, thậm chí hàng giờ của từng doanh nghiệp trực thuộc.

Đồng thời, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần rà soát, sửa đổi, ban hành quy chế, cơ chế xác định rõ vị trí, trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng thành viên (HĐTV); chế độ báo cáo, cách thức giám sát, đánh giá; hoàn thiện các chỉ tiêu đánh giá định kỳ với từng thành viên.

Kể câu chuyện về cuộc cách mạng quản trị trong quá trình tái cấu trúc tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV của doanh nghiệp này cho biết, ngay từ giai đoạn 2014 - 2015, VNPT đã bắt đầu triển khai áp dụng các công cụ quản trị chiến lược như các tập đoàn trên thế giới cùng các chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) với các cá nhân trong doanh nghiệp. Nhờ đó, VNPT đã đạt các kết quả tích cực, lợi nhuận và năng suất lao động đều tăng trưởng 20%/năm liên tục trong giai đoạn 2014 - 2017.

Từ kinh nghiệm đó, vị Chủ tịch của VNPT đề xuất Chính phủ nên tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trên nguyên tắc phân cấp mạnh theo hệ số tín nhiệm ban lãnh đạo DNNN, hệ số càng cao thì mức độ phân cấp càng mạnh.

Bên cạnh đó, nên thực hiện cơ chế hậu kiểm để đảm bảo giám sát được hoạt động mà vẫn tạo sự chủ động cho DNNN khi được phân cấp mạnh. Cụ thể, cơ quan quản lý giám sát các quyết định quan trọng của HĐTV, đồng thời được quyền phủ quyết hoặc thu hồi quyết định sau một thời gian ban hành nhất định nếu phát hiện thấy trái với chiến lược phát triển, hoặc đơn vị không giải trình được sự cần thiết.

Từng nhiều năm theo dõi và tham gia quá trình tái cơ cấu tại các DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã áp dụng và công khai, minh bạch các tiêu chí về quản trị doanh nghiệp. Theo đó, mọi người đều có thể thấy được điểm tốt, chưa tốt của không chỉ nhân viên mà cả các lãnh đạo doanh nghiệp. Chẳng hạn, mỗi quyết định của lãnh đạo sẽ được đánh giá tính hiệu quả, nếu quyết đúng sẽ được cộng điểm và sai sẽ bị trừ điểm và xếp loại lãnh đạo theo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cách thức quản trị này đã tạo sự thay đổi căn bản trong công tác nhân sự, phân định lại vị trí phù hợp với năng lực chuyên môn, khả năng điều hành của cán bộ nên đã có cán bộ tự nguyện chuyển công tác vì thấy không đáp ứng được công việc”, ông Tiến cho biết. 

Tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu là vừa?

Không chỉ thay đổi về quản trị nhân sự, hiệu quả của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng được đánh giá dựa trên các chỉ số về tài chính doanh nghiệp. Số liệu từ CIEM cho biết, DNNN đã từng có giai đoạn đạt 7% tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản, 18% tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước. Từ năm 2013 - 2016, các công ty cổ phần có vốn nhà nước đạt tỷ suất lợi nhuận 14 - 19%.

Theo ông Cung, không nên chấp nhận mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn lãi suất cho vay, mà ít nhất phải hơn 2 lần lãi suất cho vay. “Mục tiêu này gây áp lực buộc dòng vốn nhà nước phải đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả mà không đầu tư tràn lan. Đây là điều cần làm để định hướng lại nguồn vốn đầu tư vào DNNN”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm về việc cần đặt ra các chỉ tiêu về lợi nhuận cho doanh nghiệp có vốn nhà nước, song ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, thực tế, tỷ suất lợi nhuận không thể bằng nhau giữa tất cả các ngành mà phải xem xét tính đặc thù của từng ngành, theo nhu cầu trong nước, kế hoạch phát triển trung và dài hạn. Chẳng hạn, lĩnh vực nông nghiệp có mức tỷ suất lợi nhuận 7% là rất cao, nhưng với ngành ngân hàng thì phải trên 20% mới gọi là cao. “Sự khác biệt còn ở thực trạng của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang xử lý nợ xấu thì không thể áp cùng một tiêu chí về tỷ suất lợi nhuận như doanh nghiệp đang hoạt động tốt”, ông Tiến nói.

Chuyên đề