SCIC chưa muốn “buông” Bảo Minh

(BĐT) - Nhiều khả năng Tổng công ty CP Bảo Minh sẽ là doanh nghiệp (DN) thoái vốn nhà nước sau cùng trong số 10 DN lớn mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình thoái vốn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Vì sao SCIC thoái vốn tại Bảo Minh sau cùng?

Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn tại 10 DN lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng 3 tỷ USD, trong đó có Bảo Minh.

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Lê Song Lai, đại diện SCIC tham gia HĐQT Bảo Minh cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản, SCIC sẽ xem xét thời điểm thoái vốn tại Bảo Minh sao cho đạt kết quả tốt nhất. Có khả năng sẽ thoái vốn tại Bảo Minh sau cùng trong danh sách thoái vốn, do DN này có mức tăng trưởng tốt.

Bảo Minh hiện có trên 50% vốn là của Nhà nước với hơn 42 triệu cổ phiếu, vì vậy, việc bảo toàn vốn nhà nước cũng được đặt lên hàng đầu. Hoạt động đầu tư tài chính là nguồn chính đem lại lợi nhuận cho DN này trong 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, danh mục đầu tư của Bảo Minh chủ yếu tập trung vào tiền gửi ngân hàng.  Đây là điểm bất cập vì việc kinh doanh phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi (tỷ trọng tiền gửi trong tổng số tiền đầu tư của Bảo Minh hồi tháng 10 năm ngoái là 1.610 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 64,6%).

Hiện nay, Bảo Minh đang làm thủ tục để bán 7% cổ phần tại PTI (Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện) sao cho đạt kết quả tốt nhất. Về vấn đề này, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, một số cổ đông hiện hữu của PTI muốn mua lại số cổ phiếu này.

Không tăng trưởng mạnh bằng mọi giá

Năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Minh đạt hơn 3.138,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 118 tỷ đồng, chỉ đạt 94% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng chậm so với thị trường. Trong đó, tổng chi bồi thường lên tới 1.610 tỷ đồng, chiếm 51,1% trên doanh thu, tăng cao so với năm trước. Điều đáng nói, do cháy nổ tăng đột biến 99% khiến tỷ lệ chi bồi thường/doanh thu phí bảo hiểm (tỷ lệ tổn thất) đối với loại hình bảo hiểm cháy nổ năm 2015 tăng đến 33% (đạt 189,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 21%).

Mức chia cổ tức của Bảo Minh trong năm 2015 là 10% (tiền mặt) trên số vốn điều lệ đã góp. Theo đó, số lợi nhuận mà tổng công ty này chia cổ tức là trên 83 tỷ đồng (trong đó 79,5 tỷ đồng trích từ lợi nhuận 2015 và 5 tỷ đồng lợi nhuận chưa chia của những năm trước). Ngoài ra, tổng công ty này cũng đang thực hiện các thủ tục để chia thêm cổ tức 10% bằng cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn.

Bảo Minh cũng thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2016 với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 3.590 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 3.020 tỷ đồng; doanh thu phí nhận tái bảo hiểm là 360 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính là 210 tỷ đồng; lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đặt ra là 46 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính đặt ra là 209,7 tỷ đồng; lợi nhuận hoạt động tài chính là 97,4 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 162 tỷ đồng.

Chuyên đề