Sáng dần bức tranh doanh nghiệp

(BĐT) - Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố chi tiết bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong giai đoạn 2011 - 2015.
Trên 91% DN lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng và giữ ổn định. Ảnh: Lê Tiên
Trên 91% DN lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng và giữ ổn định. Ảnh: Lê Tiên

Thị trường sàng lọc mạnh doanh nghiệp

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm số lượng DN tăng thêm 7,4% - thấp hơn mức tăng 22,25% của giai đoạn trước đó. Trong số DN đang hoạt động thì lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 68%.

Trong giai đoạn nền kinh tế rơi vào khó khăn (2011 - 2013), cả nước vẫn có thêm 224.200 DN thành lập mới, bằng 41% tổng số DN được thành lập trong suốt 20 năm trước đó (1991 - 2010). Tuy nhiên, số lượng DN thành lập mới có xu hướng giảm liên tục, từ 83.600 DN đăng ký năm 2010 xuống còn 77.500 vào năm 2011 và 69.800 vào năm 2012. Năm 2013, nền kinh tế phục hồi, một số khó khăn đã giảm bớt nên số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng trở lại và đã đạt 77.000 DN.

Tình hình DN được cải thiện vào năm 2014 và 2015 khi năm 2014 có thêm 74.800 DN đăng ký thành lập mới và năm 2015 có số DN thành lập mới đạt kỷ lục là 94.750. Số vốn của DN thành lập mới cũng dần phục hồi trong 2 năm vừa qua, năm 2014 tăng 8,4% so với năm 2013 và năm 2015 tăng hơn 39% so với năm 2014. Quy mô vốn/DN có sự cải thiện từ 5,8 tỷ đồng năm 2014 lên 6,3 tỷ đồng vào năm 2015.

Đánh giá sự phát triển của DN trong thời gian qua, ông Lâm cho rằng, trên thị trường đã diễn ra sự sàng lọc và loại bỏ doanh nghiệp yếu. Cụ thể, trong năm 2013, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động là 60.700 DN, tăng gần 12% so với năm 2012. Năm 2014 có trên 67.820 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, đóng cửa, hoặc tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Số  DN gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh trong năm 2015, lên tới 71.400 DN.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc TCTK, DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động cũng là việc bình thường, vì trong kinh doanh, sau một thời gian hoạt động, chủ DN thấy lĩnh vực đầu tư, kinh doanh không phù hợp, lợi nhuận đạt được không như tính toán ban đầu nên họ tự nguyện giải thể, thành lập DN khác để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác.

Trong khi đó, theo một quan chức Bộ Tài chính, số lượng DN đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động trong 2 năm vừa qua rất lớn trong khi nền kinh tế phục hồi còn có nguyên nhân ngành thuế siết chặt công tác quản lý hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng. “Trong mấy năm gần đây, cơ quan thuế đã siết chặt công tác quản lý, sử dụng hóa đơn; chấm dứt hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông lâm thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế, các DN “ma” thấy không còn “làm ăn được” nên đã tự giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động. Đây là tín hiệu đáng mừng vì môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên trong sạch hơn” - vị quan chức này nhấn mạnh.

Niềm tin đã trở lại

Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2016, có 91,6% DN dự báo có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015; trên 91% DN lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng và giữ ổn định so với năm 2015; gần 91% DN dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định như năm 2015.
Kinh tế phục hồi, năm 2014, cả nước có 22.800 DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.700 tỷ đồng; số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh giảm 3,2% so với năm 2013. Ngược lại, số lượng DN “chết lâm sàng” quay trở lại hoạt động tăng hơn 7% với tổng số 15.400 đơn vị.

Năm 2015, bức tranh về DN tiếp tục sáng sủa hơn khi khó khăn về tình hình kinh tế vĩ mô dần được tháo gỡ. Cụ thể, doanh nghiệp đã có dấu hiệu quay trở lại đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt 851.000 tỷ đồng; số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 0,4% so với năm 2014. Số DN khó khăn buộc phải ngừng hoạt động theo đúng quy luật sàng lọc của thị trường tăng 22,4%, nhưng số DN ngừng hoạt động quay trở lại thị trường tăng mạnh, tăng tới 39,5% so với năm 2014. “Đây là những con số đáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế từ đầu năm 2015 đã tạo thêm cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn. Những con số này cũng chỉ báo rằng môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng DN” - ông Lâm nhận xét.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mới được TCTK công bố thì có tới 42,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2015 khả quan hơn quý III, trong khi đó chỉ có 19,5% cho biết gặp khó khăn hơn. Trong quý I/2016, có gần 41% số DN cho biết xu hướng tốt hơn quý III/2015 trong khi chỉ có 17,7% đánh giá ngược lại, số còn lại (41,4%) cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2016, có 91,6% DN dự báo có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015; trên 91% DN lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng và giữ ổn định so với năm 2015; gần 91% DN dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định như năm 2015.

Chuyên đề