PV Power: Hành trình 10 năm phát triển bền vững

(BĐT) - Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện năng hàng đầu trong nước, đứng thứ hai về công suất nguồn, đứng thứ nhất về công suất các nhà máy điện khí, hàng năm đóng góp 13% sản lượng điện thương mại toàn quốc, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 
Tổng công suất nguồn của PV Power ở mức ổn định là 4.208,2 MW
Tổng công suất nguồn của PV Power ở mức ổn định là 4.208,2 MW

Đặc biệt, thương hiệu PV Power đã có tiếng trong khu vực và quốc tế.

Khởi đầu khó khăn

PV Power được thành lập theo định hướng phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm lĩnh vực dầu khí, năng lượng. Trong đó, sản xuất, kinh doanh điện năng là một trong 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tập đoàn. Được sự chấp thuận của Chính phủ/Bộ Công Thương, ngày 17/5/2007, PV Power được thành lập theo Quyết định số 1468/QĐ-DKVN của PVN với chức năng, nhiệm vụ chính là sản xuất, kinh doanh điện năng, tham gia xây dựng phát triển các nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là nhiệm vụ phát triển lĩnh vực mới đối với PVN và rất quan trọng đối với phát triển năng lượng quốc gia, được Đảng và Nhà nước đặt nhiều niềm tin cho PVN nói chung và PV Power nói riêng.

Mặc dù PV Power ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng kéo dài cho đến năm 2012, bên cạnh đó là khủng hoảng nợ công ở các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu… Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tồn tại, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân nói riêng... Đặc biệt, phải kể đến sự suy giảm của giá dầu thô thế giới từ nửa cuối năm 2014 đến nay, sự biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu trong những năm gần đây… Những khó khăn thách thức nêu trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN nói chung, PV Power nói riêng.

Nhưng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết một lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động PV Power, Tổng công ty đã từng bước khẳng định vị thế và phát triển ngày càng lớn mạnh.

Sự có mặt của thương hiệu PV Power đã góp phần cùng ngành điện bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đã đánh dấu bước tiến quan trọng và khẳng định sự quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện của PVN là hoàn toàn kịp thời và đúng đắn. 

Đơn vị tính: tỷ đồng

10 năm và những con số ấn tượng

Được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 7.600 tỷ đồng, gồm 7 đơn vị thành viên, sau 3 lần tăng vốn, đến cuối năm 2015 vốn điều lệ của PV Power đã đạt 21.774,3 tỷ đồng. Đến nay, Tổng công ty có  4 chi nhánh trực thuộc, 17 thành viên, gồm: 06 công ty con PV Power nắm giữ cổ phần chi phối và 11 công ty liên kết PV Power góp vốn không chi phối.

Sau 10 năm hoạt động, PV Power đã đầu tư và vận hành 9 nhà máy điện lớn, giúp sản lượng điện thương mại tăng trưởng vượt bậc. Năm 2007, mới chỉ có Nhà máy Điện Cà Mau 1 phát điện thương mại với tổng công suất nguồn là 750 MW và sản lượng điện thương mại đạt 651 triệu kWh. 5 năm tiếp theo, PV Power đã đưa vào vận hành thêm 5 nhà máy điện, bao gồm: Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Nậm Cắt, và Phú Quý, nâng tổng công suất phát điện của PV Power lên 2.709,5 MW. Trong giai đoạn này, sản lượng điện thương mại của PV Power đạt 53.955 triệu kWh.

Từ giai đoạn 2013 - 2017, PV Power đầu tư và vận hành thêm 3 nhà máy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh, và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Việc vận hành các nhà máy điện mới này đã nâng công suất nguồn của PV Power lên 4.214,5 MW.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, tháng 7/2015, PV Power đã hoàn thành bàn giao kỹ thuật Nhà máy Nhiệt điện Phú Quý cho EVN quản lý và vận hành, nên tổng công suất nguồn của PV Power từ đó đến nay ở mức ổn định là 4.208,2 MW. Sản lượng điện thương mại giai đoạn 2013 đến cuối tháng 3/2017 là 81.734 triệu kWh và tăng trưởng sản xuất điện bình quân đạt trên 9%/năm trong 4 năm tiếp theo.

Song song với sự đầu tư các nhà máy điện mới, doanh thu của PV Power tăng trưởng tích cực.

Trong 5 năm đầu quản lý và vận hành các nhà máy điện, do chi phí cố định và chi phí lãi vay vốn đầu tư cao nên để có lãi là rất khó khăn. Tuy nhiên, đến hết năm 2012, PV Power vẫn đạt được mức tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế ấn tượng là 863 tỷ đồng. Từ sau 2012 đến nay, các nhà máy điện đều có lợi nhuận tăng do hàng năm giảm được chi phí lãi vay vốn đầu tư, thiết bị vận hành ổn định, huy động công suất cao. Ngoài ra, giai đoạn này PV Power có khoản lợi nhuận từ thu hồi tố giá điện theo quy định của Nhà nước. Tổng lợi nhuận trước thuế từ năm 2013 đến hết quý I/2017 đạt 8.694 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản nộp ngân sách nhà nước từ năm 2007 đến hết quý I/2017 đạt 8.681 tỷ đồng.

Đánh giá về 10 năm hoạt động của PV Power, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, tổng công ty này đã thực hiện thành công một loạt các dự án cấp điện cho hệ thống điện lưới quốc gia. PV Power đã hoàn thành xuất sắc 3 mục tiêu: bảo đảm nguồn điện cho nền kinh tế, cho phát triển kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng Việt Nam; bảo đảm duy trì nguồn điện, sản xuất liên tục không bị sự cố, không bị gián đoạn và thực sự hoạt động có hiệu quả, sinh lợi.

“Sự ra đời của Tổng công ty đã đáp ứng các nhu cầu thực tế và cho đến nay, tôi đánh giá rất cao đóng góp của PV Power với ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Trần Viết Ngãi chia sẻ.

Chuyên đề