Niềm tự hào của nhà thầu Việt

(BĐT) - Cách đây vài năm, cộng đồng nhà thầu không khỏi bất ngờ khi dự án Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam do Coteccons thắng thầu, thi công. Ở thời điểm đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn tòa nhà cao nhất Việt Nam phải để người Việt làm và ông đã được toại nguyện. Đến nay, những công trình khó do nhà thầu Việt triển khai không còn là câu chuyện quá hiếm hoi. Với lòng tự tôn dân tộc cao, khi bắt tay thực hiện bất kể công trình nào, nhất là những công trình mang dấu ấn để đời, nhà thầu Việt đều thể hiện một quyết tâm rất lớn.
Những công trình khó do nhà thầu Việt triển khai không còn là câu chuyện quá hiếm hoi. Ảnh: Song Lê
Những công trình khó do nhà thầu Việt triển khai không còn là câu chuyện quá hiếm hoi. Ảnh: Song Lê

Tự tôn dân tộc

Mặc dù đã khai trương và đi vào sử dụng từ ngày tháng 7/2018 nhưng đến nay những câu chuyện về tòa nhà The Landmark 81 vẫn chưa hết sôi nổi. Ban đầu Vingroup cho đấu thầu công khai dự án này và Coteccons đã không có nhiều lợi thế khi mới chỉ có kinh nghiệm làm những tòa nhà từ 60 tầng trở xuống, nên thắng thầu là một nhà thầu Hàn Quốc. Song vì là người có lòng tự tôn dân tộc cao, cuối cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giao cho Coteccons thực hiện dự án này với mong muốn để người Việt làm nên công trình thế kỷ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Với Coteccons, khi đảm trách sứ mệnh lớn lao ấy, vấn đề tiếp theo không còn là chuyện lời hay lỗ nữa, mà đó như là một sự sĩ diện của dân tộc Việt. Và rồi, kể từ ngày The Landmark 81 khánh thành, lần đầu tiên người Việt đã có thể tự hào kể với thế giới rằng: ''Chúng tôi cũng có thể làm nên những công trình thế kỷ”.

Không chỉ ở lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, những kỳ tích do doanh nghiệp Việt lập nên cũng không phải là hiếm. Chừng 10 năm trở lại đây, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã trở thành một trong những nhà đầu tư tư nhân đình đám thuộc lĩnh vực này.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nhớ lại, khoảng năm 2009 - 2010, khi ý tưởng làm đường hầm xuyên Đèo Cả theo mô hình BOT lóe lên, một số nhà đầu tư tâm đầu, ý hợp bắt tay hợp tác với nhau. Họ là những người đã có trong tay doanh nghiệp riêng vững mạnh và muốn thực hiện một giấc mơ lớn hơn cho người Việt. May thay, khi Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả ra đời, không lâu sau các cơ quan chức năng đã ra quyết định đầu tư dự án này. Năm 2012, dự án hầm Đèo Cả được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng. Thông qua Tập đoàn Nippon Koei của Nhật Bản tư vấn, độ dài hầm ống rút ngắn xuống 4,8 km. Trong quá trình triển khai, Công ty điều chỉnh lựa chọn hướng tuyến hầm tránh khu vực địa chất phức tạp, giảm chi phí gia cố, rút ngắn ống hầm thêm 600 m, tiết kiệm 28% so với tổng vốn đầu tư được phê duyệt.

Ở lĩnh vực đường cao tốc, các anh tài cũng không phải là hiếm. FECON thành lập vào năm 2004 từ một nhóm kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình gồm 15 người. Đến nay FECON là số ít nhà thầu có năng lực xử lý nền móng và cung cấp các giải pháp tổng thể cho rất nhiều công trình, nhất là nơi có nền đất yếu, từ khảo sát địa chất, thí nghiệm địa kỹ thuật, sản xuất cọc móng các loại đến thiết kế, thi công. Nhiều dự án lớn đã được nhà thầu này triển khai thành công như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; các nhà máy nhiệt điện: Nghi Sơn 1, Thái Bình 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Nhơn Trạch 2. Nhiều dự án FDI nổi bật như: Nhà máy Điện tử Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM; Nhà máy Điện tử LG Hải Phòng; Nhà máy Honda…

Ngoài các lĩnh vực nói trên, chuyện tự chủ về cơ khí chế tạo trong ngành dầu khí của Việt Nam là một điều không thể không nói đến. Trong đó, công trình xây lắp giàn khoan tự nâng 120 m nước Tam Đảo 05 do Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện là một ví dụ sinh động. Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, do Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu. Công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo, có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, khả năng chất tải 2.995 tấn. Giàn được thiết kế hoạt động ở độ sâu mực nước biển tới 120 m, khả năng khoan tới độ sâu 9.000 m và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được sức gió bão trên cấp 12, chiều cao sóng 22m. Bằng bàn tay và trí óc, những người thợ dầu khí đã chế tạo được nhiều sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới, giúp Việt Nam xây dựng lên những công trình có tầm vóc quốc tế. 

Quyết chí vươn lên

Năm 2019 qua đi, nhiều công trình như thi công đường hầm, đường cao tốc, hay chế tạo giàn khoan... đều gắn liền với những thương hiệu lớn: Coteccons, Hòa Bình, FECON, Unicons, Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard)... Để có được những thành công vang dội đó, nhà thầu phải chinh phục được những chủ đầu tư khó tính, bởi độ phức tạp của các công trình ấy khiến nhiều nhà thầu lớn của nước ngoài cũng có lúc e ngại.
Ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, hơn 30 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, mang tính đột phá. Sự bùng nổ của ngành xây dựng Việt Nam khi đất nước bước sang thời kỳ “Đổi mới” đã giúp ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói riêng học hỏi được rất nhiều từ những chuyên gia, nhà thầu hàng đầu trên thế giới đến từ các châu lục Á, Âu, Mỹ, Úc. Đó quả thật là một cơ hội vô cùng quý giá mà ta không tìm thấy ở những quốc gia khác. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh, nay các công ty xây dựng Việt Nam đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao. Ngành xây dựng trong một thời gian ngắn đã tạo dựng được năng lực cạnh tranh vượt trội.

Cho đến bây giờ, khi nhìn lại những công trình ấy, người ta vẫn cứ hỏi, làm thế nào các nhà thầu Việt có thể làm được điều đó? Nhưng đối với những người trong cuộc, họ hiểu tâm thế cũng như khát vọng mà họ đang làm trước hết là vì lòng tự tôn dân tộc. Thành ra, đôi khi áp lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tuy là một bài toán khó, nhưng không còn quá phức tạp.

Mới đây, sau khi Bộ Giao thông vận tải công bố thông tin hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư Dự án Cao tốc Bắc - Nam, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, đây là tiền đề rất tốt để các doanh nghiệp nội có thể chứng minh khả năng của mình. Bởi chúng ta có nhiều nhà thầu xây dựng giỏi, tư vấn giám sát đủ khả năng... Nếu các nhà đầu tư biết hợp lực lại, biết nỗ lực vì niềm tự tôn dân tộc thì Dự án Cao tốc Bắc - Nam không phải không giải quyết được.

Nhưng lòng tự tôn dân tộc không chỉ gói gọn lại với những công trình mang dấu ấn để đời ở trong nước, mà còn được các doanh nghiệp Việt khao khát dấn thân và thực hiện ở nước ngoài.

“Trong xu hướng toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới, chúng tôi quyết tâm đem hết nỗ lực cùng đồng nghiệp và Chính phủ phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài, một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với thị trường trong nước. Chúng tôi tin rằng, thúc đẩy phát triển thị trường này, ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn để từ đó đóng góp hiệu quả đưa Việt Nam lên một tầm cao mới”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Chuyên đề