Niềm tin kinh doanh đang thôi thúc

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong mấy năm gần đây liên tục gia tăng, xác lập những kỷ lục ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh mảng sáng của bức tranh về doanh nghiệp, vẫn còn những vấn đề khiến chúng ta trăn trở. 
2018 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam có số lượng DN mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Ảnh: Lê Tiên
2018 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam có số lượng DN mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xoay quanh câu chuyện “sức khỏe” của DN.

Thưa bà, bà có thể điểm một số nét chính về hoạt động đăng ký thành lập DN năm qua?

 2018 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam có số lượng DN mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử. Cụ thể, cả nước có 131.275 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký.

Ấn tượng hơn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2017, bao gồm vốn của DN đăng ký thành lập mới và vốn tăng thêm của các DN đang hoạt động. Sự thuận lợi của môi trường kinh doanh là chất xúc tác quan trọng để biến cơ hội đầu tư kinh doanh trở thành sự phát triển thực sự. Chính vì vậy, việc những DN đang hoạt động tiếp tục bổ sung một lượng vốn lớn vào nền kinh tế là một minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay.

Những con số trên đã cho thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thuận lợi, tháo gỡ những rào cản trong kinh doanh thời gian qua đã tạo dựng niềm tin trong cộng đồng DN, giúp tăng cường cả về số lượng lẫn quy mô của khối DN tư nhân.

Niềm tin kinh doanh đang thôi thúc ảnh 1
Bà Trần Thị Hồng Minh
Ngoài những niềm vui như bà vừa chia sẻ, năm 2018 vẫn còn một góc khuất khi số lượng DN phải ngừng hoạt động, giải thể không nhỏ. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này do đâu, thưa bà?

Năm 2018 cả nước có 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 25,1%), 63.525 DN ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng 63,4%). Nếu trừ đi 18.100 DN chờ giải thể hoạt động do rà soát dữ liệu thì năm 2018 có 45.425 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 16,9% so với năm 2017.

Một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng này là sự hạn chế về năng lực nội tại của DN nhỏ và vừa Việt Nam. Các điểm yếu về năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo; một số hạn chế về môi trường kinh doanh vẫn chưa được giải quyết triệt để, tạo nên rào cản đối với sự phát triển của DN.

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2018 vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Sau khi trừ đi 18.100 DN chờ giải thể do rà soát, làm sạch dữ liệu thì tỷ lệ DN rút lui trên DN gia nhập thị trường thực tế của năm 2018 là 53,8%, tương đương với năm 2016 (53,5%) và thấp hơn khá nhiều so với các năm 2015 (69,5%) và năm 2014 (75,1%). 

Chính phủ đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020. Mục tiêu này liệu có đạt được khi đang có không ít khó khăn, thách thức, thưa bà?

Trên cơ sở khớp nối dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế, hiện nay có khoảng 710 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Tuy nhiên, thực tế, tình hình triển khai đến nay không mấy khả quan. Nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ xuất phát từ nhu cầu. Hộ kinh doanh đang hoạt động hiệu quả với mô hình hiện tại thì đương nhiên sẽ không có nhu cầu chuyển đổi thành DN để phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của pháp luật. Thực tế thì, DN hay hộ kinh doanh cũng đều là những bộ phận tất yếu của một nền kinh tế. Họ lựa chọn mô hình tối ưu nhất, phù hợp với khả năng của mình để phát triển, và tất cả họ đều có sự đóng góp cho nền kinh tế. Lựa chọn đó là không thể ép buộc.

Theo tôi, có hai việc cần thiết phải thực hiện. Thứ nhất là, chấn chỉnh sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động của hộ kinh doanh. Cụ thể, cần rà soát và yêu cầu những hộ kinh doanh sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký chuyển đổi thành DN theo quy định; đồng thời, yêu cầu các hộ kinh doanh đang hoạt động trong khu vực phi chính thức phải đăng ký thành lập với cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ để tạo động lực cho hộ kinh doanh có tiềm năng chủ động chuyển đổi sang mô hình DN. Chỉ có chuyển đổi một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và năng lực, DN mới có thể bảo đảm được sự phát triển lâu dài. 

Thành lập DN không khó, nhưng để DN ấy “sống” và có dấu ấn trên thị trường thì không phải dễ. Bà đánh giá thế nào về đội ngũ doanh nhân Việt trong thời kỳ mới?

Tôi từng tiếp xúc với nhiều doanh nhân, nhất là các nữ doanh nhân như bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Qua tiếp xúc, trò chuyện, tôi thấy rất tự hào về họ, bởi họ nắm bắt được các kỹ năng quản trị hiện đại của thế giới để ứng dụng trong công tác quản trị DN. Hơn nữa, họ cũng là những doanh nhân làm việc với cái tâm, không những vì lợi ích của DN mà còn có trách nhiệm xã hội… Nhìn tổng thể, cái tâm và cái tầm của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang từng bước được nâng cao. Đây sẽ là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ doanh nhân vừa có tâm vừa có tầm ấy, vẫn còn tình trạng không ít doanh nghiệp thành lập nhưng chưa trang bị đủ hành trang về kiến thức quản trị DN, khả năng tìm hiểu thị trường và cả vốn liếng… nên đã sớm thất bại khi vừa chân ướt chân ráo gia nhập thị trường. Một số DN khác lại chỉ coi trọng lợi ích của DN mình mà chưa chú ý đến vấn đề xã hội, hay quyền lợi của người lao động… đã gây bức xúc trong dư luận. Những hạn chế này cần được khắc phục để tới đây, chúng ta có một đội ngũ doanh nhân ngày càng hùng mạnh, giỏi về quản trị, nhanh nhạy về khả năng nắm bắt cơ hội, và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Chuyên đề