Nhiều “ông lớn” sắp về một mối

(BĐT) - Ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Theo đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn sẽ được chuyển về ủy ban này. Lộ trình và cách thức thực hiện sẽ ra sao?
21 DNNN lớn sẽ chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như; EVN, PVN, VEC, SCIC... Ảnh: Tường Lâm
21 DNNN lớn sẽ chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như; EVN, PVN, VEC, SCIC... Ảnh: Tường Lâm

Những động thái mới

Theo quyết định trên, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; ông Nguyễn Hoàng Anh (nguyên Bí thư tỉnh Cao Bằng) được giao làm Chủ tịch Ủy ban, Tổ phó thường trực. Tổ công tác còn 3 Tổ phó khác là ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bên cạnh động thái thành lập Tổ công tác, Chính phủ cũng giao Bộ KH&ĐT ngay trong quý I/2018 hoàn thành xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban để trình Chính phủ trong quý II/2018. Hiện công tác chuẩn bị xây dựng Nghị định đang được Bộ KH&ĐT gấp rút hoàn thiện và sớm đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Đặc biệt, chiều ngày 16/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp đầu tiên của Tổ công tác. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này”.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người chắp bút xây dựng Đề án cho biết, mục đích Ủy ban hướng đến là giải quyết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DN bằng việc hình thành bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp. Thứ hai là tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước nhằm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường và tránh đối xử phân biệt giữa các thành phần kinh tế. 

Ông Trung nhấn mạnh, trước đây chưa có cơ quan chuyên trách nên hiệu quả sử dụng vốn tại các doanh nghiệp này còn hạn chế, có những sai phạm tại doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn ngừa, cảnh báo… 

Những “ông lớn” nào sẽ chuyển về Ủy ban?

Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT tại Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, Ủy ban sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty quan trọng thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài từ các bộ quản lý ngành, bao gồm 21 DNNN lớn. Một số DN tiêu biểu như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone… Ngoài 21 “ông lớn” nêu trên, theo lộ trình chuyển giao sẽ bổ sung thêm DN khác phù hợp với tiêu chí đã xác định.

SCIC sẽ thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN còn lại, ngoại trừ DN công ích và các tổ chức kinh tế, tài chính đặc thù; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục làm cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh… Theo Đề án, các DN kinh doanh của Hà Nội và TP.HCM chưa chuyển về cơ quan chuyên trách.

Về thời điểm các “ông lớn” tiến hành chuyển giao về Ủy ban, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, hiện thời gian cụ thể khó xác định do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, sẽ không thể chuyển ngay 21 “ông lớn” về Ủy ban, mà cần một lộ trình, phải có biên bản bàn giao, quyết định chuyển giao… Tuy nhiên, sớm nhất là ngay trong năm 2018, muộn nhất là năm 2020.

Chuyên đề