Nhiều DNNN vẫn “né” công bố thông tin

(BĐT) - Đến thời điểm này, mới có khoảng 42% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Điều đáng nói, trong danh sách “né” công bố thông tin có tên nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.
Tổng công ty Phát triển đường cao tốc “quên” báo cáo tài chính năm 2016 khi công bố thông tin. Ảnh: Lê Tiên
Tổng công ty Phát triển đường cao tốc “quên” báo cáo tài chính năm 2016 khi công bố thông tin. Ảnh: Lê Tiên

357 doanh nghiệp chưa công bố thông tin

Theo Dự thảo Báo cáo tình hình công bố thông tin của DNNN năm 2017 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chuẩn bị để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết năm 2017, mới có 265 trong tổng số 622 DNNN gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Trong số 357 DN chưa thực hiện công bố thông tin, các DN thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương chiếm đa số. Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số DN lớn cũng có tên trong danh sách chưa công bố thông tin. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 5 DN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 2 DN, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có 6 DN, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có 4 DN.

Cùng với các DN, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện xây dựng chuyên mục và công bố thông tin của DN cũng được Bộ KH&ĐT điểm danh. Cụ thể, tính đến 31/12/2017, mới có 6/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 8/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và 6/6 tập đoàn kinh tế thuộc diện phải thực hiện công bố thông tin có chuyên mục riêng về công bố thông tin. Như vậy, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Về chất lượng công bố thông tin, tính đến 31/12/2017, hầu hết các DN đã công bố thông tin chưa thực hiện công bố đầy đủ 9 loại báo cáo theo quy định, trung bình mỗi DN chỉ công bố khoảng 5 loại báo cáo. Trong đó, chỉ có 113 DN thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020; 167 DN thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2017; 171 DN thực hiện công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất. Các thông tin khác của DN như tình hình hoạt động, tiền lương, thưởng hàng năm cũng chỉ có 196 DN đã có báo cáo công bố.

Đáng chú ý, theo Bộ KH&ĐT, chỉ có 149 trong tổng số 265 DN đã công bố báo cáo thực hiện công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới năm 2016 và 146 DN thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2016. 

Chất lượng báo cáo chưa cao

Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DN lớn thuộc các bộ, địa phương, tính đến 31/12/2017, chỉ có 2 trong số 5 tập đoàn kinh tế là VNPT và PVN thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin; các tập đoàn còn lại đều chưa hoàn thành việc công bố thông tin đối với 9 loại báo cáo. Chất lượng các báo cáo được công bố của các tập đoàn kinh tế cũng không được đánh giá cao.

Với các tổng công ty, DN lớn thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố, chất lượng báo cáo cũng không khả quan hơn khi đa số đều chưa thực hiện đầy đủ các báo cáo theo quy định. Trong đó, báo cáo tài chính năm 2016, một trong những báo cáo quan trọng nhất được yêu cầu bắt buộc phải công bố lại bị nhiều DN “quên” nhất. Điển hình như các tổng công ty: Lương thực miền Bắc, Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Phát triển đường cao tốc, Cà phê, Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc.

Theo quy định tại Điều 23, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, nếu DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN.

Đồng thời, tại Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT, mức phạt vi phạm quy định về công bố thông tin của DNNN đã được xác định rất rõ. Cụ thể, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi công bố thông tin không đầy đủ, không chính xác. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu DN không thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm; không công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức, báo cáo tài chính của DN...

Từ các quy định nêu trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm theo hướng khiển trách đối với người quản lý DN vi phạm quy định về công bố thông tin; xử phạt các DN theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Các nội dung xử lý phải được đăng trên trang thông tin điện tử của các đơn vị và gửi về Bộ KH&ĐT để đăng tải trên địa chỉ http://www.business.gov.vn nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của người dân và xã hội đối với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DNNN.

Chuyên đề