Nhiều cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo

(BĐT) - Istart - Dự án Thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được công bố trong khuôn khổ Hội thảo DNNVV khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức mới đây. Istart được kỳ vọng là cú hích trong việc tạo dựng hệ sinh thái, giúp các DNNVV nắm bắt thời cơ khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ KH&ĐT cùng Ibosses Việt Nam và ACCA ký kết chương trình hợp tác mang tên “Istart” (ảnh: Minh Trang)
Bộ KH&ĐT cùng Ibosses Việt Nam và ACCA ký kết chương trình hợp tác mang tên “Istart” (ảnh: Minh Trang)

Thời cơ mới cho khởi nghiệp của các DNNVV

Công ty TNHH Finhay - một DN khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính - vừa được thông báo nhận vốn đầu tư gần 1 triệu USD. Bên cạnh nhà đầu tư chính là Insiginia Venture Partner, Finhay cũng nhận được tài trợ từ các quỹ đầu tư vòng hạt giống từ Hong Kong và Mỹ. Nhìn vào dòng vốn đầu tư có thể hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo của các DNNVV Việt Nam hiện nay, ông Nghiêm Xuân Huy, nhà sáng lập Finhay nhận định: “Dòng tiền đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vào Việt Nam đang như “nước chảy chỗ trũng”. Hoạt động khởi nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng”.

Chung góc nhìn, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đoàn Quốc Long, Giám đốc điều hành Ngân hàng BNP - Parisbas Khối quản lý tài sản khu vực châu Á cho rằng, Việt Nam có những điều kiện tốt thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đó là kinh tế vĩ mô ổn định, dân số trẻ và sử dụng Internet ở mức độ cao…

Theo ông Long, thông thường khi đầu tư, các nhà đầu tư thường nhìn về dài hạn, do đó, có thể trong ngắn hạn, đầu tư cho các startup của Việt Nam mức độ sinh lời có thể chưa được như mong đợi, nhưng về dài hạn là rất tiềm năng.

Tại Hội thảo, ACCA công bố kết quả khảo sát quốc tế về thách thức đối với tăng trưởng của các DNNVV, ông Sharath Mart, Tư vấn chính sách thuộc ACCA nêu rõ, so sánh ở 3 cấp độ là trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế thì các DNNVV của Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Hiện DNNVV của Việt Nam đang dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực ASEAN. Về ưu tiên kinh doanh trong 3 năm tới, các DNNVV đều có xu hướng tập trung phát triển ở những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao như: ứng dụng khoa học công nghệ; bán hàng và marketing; phát triển thương mại điện tử…

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách lớn hỗ trợ các DNNVV, trong đó, cố gắng tạo hệ sinh thái thuận lợi nhất giúp cho các DNNVV khởi nghiệp thành công.

Tại Hội thảo, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực chia sẻ, kinh nghiệm thế giới cho thấy có 5 nhân tố khiến các startup thất bại là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro; không dành đủ thời gian và công sức cho DN; thiếu kỹ năng quản trị điều hành; thiếu kiến thức về khởi nghiệp và thị trường. Dẫn kết quả khảo sát về vấn đề này của châu Âu, ông Lực nhấn mạnh, tiếp cận vốn không phải vấn đề chính của các startup, mà mong muốn lớn nhất của họ là giảm bớt thủ tục hành chính về khởi nghiệp sáng tạo, tiếp đó là giảm thuế, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư chứ không phải từ ngân hàng.

Liên quan đến hỗ trợ các DN khởi nghiệp thành công, ông Cấn Văn Lực đánh giá cao sáng kiến của Bộ KH&ĐT thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm xây dựng hệ sinh thái tốt nhất thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. “Có lẽ với các startup Việt Nam, họ cần nhất là cơ chế chính sách để khởi nghiệp thông thoáng. Đặc biệt, thủ tục về hành chính phải cực kỳ đơn giản, kể cả thủ tục phá sản DN”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Tăng tốc phát triển DNNVV với Istart

Nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển trên con đường hội nhập tuân theo chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh kỷ nguyên số bắt đầu được đẩy mạnh trên toàn cầu, tại Hội thảo, Bộ KH&ĐT cùng Ibosses Việt Nam và ACCA đã ký kết chương trình hợp tác mang tên “Istart”. Chương trình dựa trên nền tảng hệ sinh thái của Ibosses, nhằm mục tiêu chuyên nghiệp hóa hoạt động của DNNVV, đồng thời giúp các DNNVV kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Tăng Ngọc Trường An, Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam cho biết, đến với Istart, các DNNVV sẽ có cơ hội được tiếp xúc với tri thức về khởi nghiệp trong lĩnh vực của họ mong muốn; cập nhật kiến thức mới nhất trong kỷ nguyên số và làm việc với những cố vấn, huấn luyện viên theo những nội dung cụ thể. Đặc biệt, Istart tận dụng tối đa nền tảng số giúp DNNVV Việt Nam tiếp cận với nguồn tri thức để giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục, các bước trong kinh doanh.

Ông Long nhận định, Istart là chương trình hay, chắt lọc sự tinh túy của các mô hình thành công trong hỗ trợ startup của các quốc gia phát triển trên thế giới. “Không đơn thuần là chúng ta coppy một mô hình của nước ngoài mà còn có sự Việt hóa cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, tôi tin rằng Istart sẽ mang lại giá trị thực tiễn cho các DNNVV khởi nghiệp thành công tại Việt Nam”, ông Long nói.

Chuyên đề