Nhà thầu xây dựng khát vọng khẳng định thương hiệu

(BĐT) - Trong một cuộc gặp gỡ thân mật với báo chí, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo tin vui của… đối thủ cạnh tranh. 
Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã bắt đầu chứng tỏ được vị thế tại các dự án đấu thầu quốc tế
Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã bắt đầu chứng tỏ được vị thế tại các dự án đấu thầu quốc tế

Theo đó, tháng 6/2016, Công ty CP Xây dựng Coteccons chính thức vượt qua 2 đối thủ ngoại là Lotte và SsangYong để trúng gói thầu xây dựng phần thân tòa nhà The Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại và là tòa nhà cao thứ 8 thế giới. 

Tiềm lực nhà thầu nội

Coteccons thắng thầu The Landmark 81 rõ ràng là một niềm tự hào của ngành xây dựng Việt Nam. Thành công của Coteccons là sự kiện đáng nhớ của mỗi người làm xây dựng, mà không phải ai cũng có cơ hội được trải qua - như lời Tổng giám đốc Coteccons chia sẻ. 

2 đối thủ ngoại được nhắc đến thực tế đã liên danh với các nhà thầu trong nước là Hòa Bình và Delta. Một cách gián tiếp, Hòa Bình đã thua trong phiên đấu thầu mơ ước nói trên. Tổng giám đốc Địa ốc Hòa Bình cho biết, mặc dù rất buồn khi không trúng thầu, nhưng với ông, có một niềm vui lớn hơn, vượt qua nỗi buồn nhỏ, đó là: “Nhà thầu nội đã chính thức thắng thầu tại một dự án siêu sao, đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật. Đó là tín hiệu vui cho cả ngành xây dựng, khi mà trước đó các dự án lớn đấu thầu quốc tế đều chê nhà thầu nội. Ở Việt Nam, trước The Landmark 81 chỉ có 3 tòa nhà trên 60 tầng và đều do các nhà thầu quốc tế thực hiện”.

Ở vị kiến trúc sư này dường như luôn cháy bỏng khát khao khẳng định thương hiệu ngành xây dựng Việt Nam. Ông trăn trở, hiện nay giá trị sản lượng ngành xây dựng trong nước chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD/năm. Trong khi thị trường xây dựng của 69 quốc gia đang có cơ hội tăng trưởng đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ USD. Nhiều nước có thị trường xây dựng phát triển nóng và phụ thuộc rất lớn vào nhà thầu xây dựng nước ngoài, bao gồm những nước nằm trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Dư địa tăng trưởng cho ngành xây dựng nước nhà vì vậy đang còn rất nhiều.

Mà rõ ràng, các công ty xây dựng Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được năng lực thi công và khẳng định vị trí của mình tại nhiều dự án lớn trong nước. Nếu như Coteccons có thể tự hào với The Landmark 81, thì Địa ốc Hòa Bình cũng không mấy kém cạnh. Có thể kể đến các dự án đấu thầu quốc tế mà Địa ốc Hòa Bình thắng thầu như: VietinBank Tower, Discovery Complex, Estella Height, Saigon Centre…. 

Vươn ra nước ngoài để… bảo vệ thị trường trong nước

Có 3 lý do chính mà các nhà thầu trong nước cần mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài.

Thứ nhất, hiện tại số lượng lao động ngành xây dựng của Việt Nam đang rất lớn, khoảng 9 nghìn kỹ sư, chuyên gia trên 1 triệu dân, gấp 3 con số các nước lân cận. Để giảm áp lực, cũng là cách để tăng năng suất lao động, không có cách nào khác là… “mang chuông đi đánh xứ người”.

Thứ hai, sức nóng của ngành xây dựng song hành cùng biến động của thị trường bất động sản. Mà đây lại là thị trường biến động không ngừng. Trong giai đoạn “nông nhàn” của thị trường bất động sản, việc tham gia đấu thầu ở nước ngoài cũng là cách tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng.

Thứ ba, vô cùng quan trọng là khi tham gia đấu thầu tại nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đứng trước cơ hội và áp lực nâng cao trình độ, năng lực thi công. Vượt qua áp lực đó, doanh nghiệp trong nước mới đủ mạnh để đứng vững trước sự “xâm lăng” của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn mở cửa hiện nay.

Tham gia đấu thầu các dự án nước ngoài không chỉ là mơ ước của Địa ốc Hòa Bình nói riêng, mà còn là xu hướng không thể tránh khỏi của các nhà thầu nội, nếu muốn đứng vững và phát triển trong tình hình cạnh tranh không biên giới. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài không phải khi nào cũng thành công. Nhiều doanh nghiệp xây dựng trên thế giới đã thất bại khi thực hiện chiến lược nhiều tham vọng này. 

Chuẩn bị trước giờ xung trận

Tự thân mỗi doanh nghiệp khi muốn vươn ra nước ngoài đều tự mình trang bị những hành trang cần thiết. Những thuận lợi của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể thấy được là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao với chi phí thấp (chỉ sau Ấn Độ), vật liệu xây dựng và các dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án cũng được đánh giá là rẻ so với các nước khác. Thế nhưng, thành công của một ngành không chỉ trông chờ vào nỗ lực riêng lẻ của các doanh nghiệp.

Ông Lê Viết Hải cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng và đầu tư. Ông đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để đơn giản hóa các thủ tục, phù hợp theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, điều cần thiết là việc xếp hạng, đánh giá năng lực nhà thầu, cấp và rút giấy phép hành nghề… cần đi vào thực chất, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường cũng như thông lệ quốc tế. Muốn vậy, các hiệp hội ngành nghề nói chung và Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nói riêng cần “được phép” chia sẻ một phần nhiệm vụ quản lý của Nhà nước trong các công việc nhạy cảm nói trên.

Về mặt quản lý nhà nước, ông Hải cho rằng, trong khi đàm phán các hiệp định quốc tế, các đoàn đàm phán cần quan tâm đưa vào yêu cầu cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước sở tại, được miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư và phương tiện thi công. Việc đào tạo lao động cũng cần được chú ý với chương trình phù hợp, chứng chỉ quốc tế đạt chuẩn. Để đưa lao động ra nước ngoài được thuận lợi, nhà thầu nội cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, bảo lãnh, chuyển tiền, vay tiền có hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn đầu…

“Mang chuông đi đánh xứ người” là nhiệm vụ vẻ vang nhưng không kém phần gian nan. Để thành công đòi hỏi không chỉ nỗ lực của từng cá thể, mà còn cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý về mặt chính sách. Để trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nước nhà, ngành xây dựng rõ ràng cần thêm rất nhiều dự án đẳng cấp quốc tế mà các nhà thầu nội có thể sòng phẳng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ngay trên sân nhà.

Chuyên đề