Ngành xi măng sẽ tiếp tục khó khăn?

(BĐT) - Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh gay gắt trên thị trường là những nguyên nhân khiến tình hình hoạt động kinh doanh của các “ông lớn” ngành xi măng không đạt như kỳ vọng trong năm vừa qua. 
Bộ Xây dựng dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2020 đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019. Ảnh: Khánh Giang
Bộ Xây dựng dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2020 đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019. Ảnh: Khánh Giang

Doanh thu, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp đi xuống

Theo Báo cáo tài chính quý IV/2019, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận lợi nhuận bất ngờ giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm 2018 dù doanh thu tăng. Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2019 của Công ty đạt 992 tỷ đồng, tăng 3,3% so với quý IV/2018. Tuy nhiên, giá vốn tăng cùng các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng… tăng hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu khiến lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 của Công ty chỉ đạt 26,8 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế năm 2019, doanh thu thuần của Xi măng Bỉm Sơn đạt 3.826 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018, hoàn thành 95,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 123 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, hoàn thành 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu ước đạt trên 4.005 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 171 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác trong ngành xi măng có kết quả kinh doanh ảm đạm là Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai. Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2019 của Công ty đạt 458 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả năm 2019, doanh thu của Vicem Hoàng Mai đạt 1.668 tỷ đồng, giảm 4%; lợi nhuận sau thuế đạt 20,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2018.

Năm 2019, Vicem Hoàng Mai đặt kế hoạch doanh thu thuần là 1.877 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 30,4 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, Công ty mới mới chỉ hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 66,4% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ban lãnh đạo Vicem Hoàng Mai cho biết, lợi nhuận quý cuối năm 2019 của Công ty sụt giảm xuất phát từ việc Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines tăng áp thuế phòng vệ tạm thời từ 240 peso/tấn vào đầu năm 2019 lên 250 peso/tấn trong tháng 9/2019 khiến hoạt động xuất khẩu xi măng gặp nhiều khó khăn. Sản lượng xi măng quý IV/2019 tiêu thụ giảm 178.947 tấn, phần lớn do giảm xi măng xuất khẩu.

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác trong ngành là Công ty CP Xi măng La Hiên, dù lợi nhuận tăng trưởng, song điều này dường như vẫn không làm “hài lòng” được đại bộ phận cổ đông Công ty.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý IV/2019, Xi măng La Hiên đạt 199 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với mức 209 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, tăng 11% so với quý IV/2018. Lũy kế cả năm 2019, Công ty đạt doanh thu 689 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo Công ty, dù sản lượng tiêu thụ năm 2019 giảm so với cùng năm trước, song nhờ cơ cấu được vùng tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất nên lợi nhuận tăng trưởng. 

Đối mặt nhiều khó khăn

Thị trường vật liệu xây dựng được dự báo có xu hướng tăng chậm lại trong năm 2020 sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ, xuất khẩu xi măng của Việt Nam
Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2020 được Bộ Xây dựng dự báo đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.

Năm 2020 dự kiến có 2 dây chuyển sản xuất xi măng đi vào vận hành, đưa tổng số dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước lên con số 86, với tổng công suất toàn ngành đạt 105,84 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường vật liệu xây dựng năm 2020 vẫn tương đương năm 2019, thậm chí có xu hướng tăng chậm lại. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ, xuất khẩu xi măng của Việt Nam.

Đặc biệt, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, dù chưa phải chịu tác động trực tiếp như ngành du lịch, hàng không hay nông sản, song ngành xi măng vẫn chịu ảnh hưởng nhất định.

Trong khi đó, ngành này cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với một số khó khăn sẵn có như giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng, cũng như cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường với nhiều thương hiệu khác nhau...

Chuyên đề