Nâng hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh: Đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu

(BĐT) - Một nghị định của Chính phủ liên quan tới khởi sự kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự thảo, dự kiến ban hành vào giữa năm nay. Nghị định sẽ tích hợp liên thông các thủ tục hành chính với việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử. 
Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử là giải pháp hữu hiệu để nâng cao Chỉ số khởi sự kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử là giải pháp hữu hiệu để nâng cao Chỉ số khởi sự kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Đây là giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Đề cập về Chỉ số khởi sự kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đánh giá: “Nếu khởi sự kinh doanh không dễ dàng, không thuận lợi sẽ làm tăng chi phí về thời gian và cơ hội; làm suy giảm động lực cạnh tranh và xa hơn là làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115 trong số 190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (104/190) với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện. Cụ thể, theo tính toán của WB, Việt Nam mất 8 thủ tục với thời gian 16 ngày để khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, 16 ngày là thời gian thực tế chưa kể ngày nghỉ.

Theo ông Hiếu, hiện Chỉ số khởi sự kinh doanh có liên quan ít nhất đến 4 luật (Doanh nghiệp, Thuế, Lao động, Bảo hiểm). Bởi vậy, để đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí, rút ngắn gia nhập thị trường cho DN, đại diện CIEM cho biết, tại Dự thảo Luật DN (sửa đổi), cơ quan soạn thảo sẽ đưa ra kiến nghị cải cách, cải thiện chỉ số này. Theo đó, đối với vấn đề con dấu, cơ quan soạn thảo đề nghị trao quyền tự quyết (về số lượng, hình thức, nội dung) cho DN; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu.

Về thủ tục khai trình sử dụng lao động, kiến nghị bãi bỏ thủ tục này khi DN mới đăng ký thành lập với các lý do chính như: Trong 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, tình trạng sử dụng lao động không ổn định nên việc thông tin, báo cáo không phản ánh đúng thực trạng; DN đã phải báo cáo định kỳ 6 tháng về sử dụng lao động; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý về lao động…

Đồng ý với kiến nghị cần có giải pháp cụ thể để nâng hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, cần liên thông các thủ tục hành chính với việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử nhằm đạt 3 mục tiêu: cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí tài chính và giảm thời gian thực hiện cho DN.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115 trong tổng số 190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (104/190) với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện.
Liên quan đến thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn VAT trong Luật Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh kiến nghị với Bộ Tài chính phương án tích hợp thủ tục xin mua hóa đơn và in hóa đơn vào mẫu đăng ký thành lập DN. Khi DN nộp hồ sơ đăng ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế cho DN thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho DN.

“Với giải pháp liên thông này, chúng ta sẽ cắt giảm được thủ tục DN phải gửi cho cơ quan thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Nếu giải pháp trên được thực hiện, việc mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Việt Anh đánh giá.

Về nộp lệ phí môn bài, Bộ KH&ĐT đã có kiến nghị với Bộ Tài chính thời gian nộp lệ phí và đã được bộ này tiếp thu. Đó là DN sẽ nộp lệ phí môn bài sau 1 năm thành lập thay vì nộp ngay từ đầu như hiện nay.

Đối với thủ tục đăng ký sử dụng lao động, giải pháp được Bộ KH&ĐT đưa ra với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là DN không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho DN sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo. Với phương án này, DN không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, thủ tục đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội (theo Luật Bảo hiểm) cũng được kiến nghị giải pháp tích hợp kê khai thông tin về bảo hiểm xã hội cùng với mẫu giấy đăng ký DN tại thời điểm đăng ký kinh doanh.

Chuyên đề