Nâng cao năng suất lao động để tránh tụt hậu

(BĐT) - Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp và mức chênh lệch so với các nước trong khu vực tiếp tục tăng là điều đáng báo động. Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu và bị bỏ lại phía sau, rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Ảnh Bích Thủy
Ảnh Bích Thủy

Nhiều dấu hiệu sụt giảm NSLĐ

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tăng NSLĐ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tổ chức chiều 21/3 tại Hà Nội cho thấy, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và 55% của Philippines.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, sự chênh lệch về mức tăng NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục tăng. Điều này cho thấy thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp, nhiều kết quả nghiên cứu và đánh giá thời gian qua cho thấy, hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế đều có NSLĐ thấp. Mặc dù có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp nhưng không nhiều. Thực tế, có những lĩnh vực nông nghiệp, năng suất theo giờ thì không thấp, nhưng vì có quá nhiều người tham gia, nên đã kéo NSLĐ của khu vực kinh tế này xuống. NSLĐ của khu vực công nghiệp cũng thấp...

“Cả ba khu vực doanh nghiệp đều có năng suất tương đối thấp, tỷ lệ sử dụng công nghệ tiên tiến quá thấp, trung bình hoặc dưới trung bình. Tính lan tỏa nâng cao năng suất không nhiều. Trong đó, khu vực trong nước nằm ở doanh nghiệp nhà nước sụt giảm năng suất, từ đó kéo theo sự sụt giảm của các khu vực khác. Doanh nghiệp tư nhân ngày càng cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI, khó tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên... Do đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng thu hẹp quy mô, không dám đầu tư lớn để tăng năng suất, trong khi đáng lẽ đây phải là khu vực có NSLĐ cao hơn”, bà Lan nhận xét.

Việt Nam đang mắc kẹt ở đâu?

Trong thời gian qua, Việt Nam đã sớm quan tâm đến tăng NSLĐ, song theo ông Thành, hiện vẫn còn thiếu sự hỗ trợ và cam kết cấp cao; thiếu ưu đãi cho các công ty, doanh nghiệp tham gia, thiếu các thiết kế chi tiết hiệu quả... Sở dĩ NSLĐ thấp là do nhiều yếu tố như: điều kiện và môi trường làm việc, mật độ sử dụng công nghệ và vốn đầu tư cho mục tiêu tăng NSLĐ còn thấp, cũng như tay nghề, kỹ năng của người lao động còn thấp. Điều đó cũng lý giải vì sao mức thu nhập của Việt Nam vào loại thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.

Theo TS. Ohno Ichi, mặc dù Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ của Nhật Bản thông qua các dự án tăng cường năng lực, nhưng chưa tận dụng được hết cơ hội từ những trợ giúp này. Việc học hỏi thường kết thúc ngay khi dự án dừng lại mà không có sự tiếp tục, tạo sự lan tỏa rộng hơn, hầu hết chỉ mới thực hiện ở quy mô nhỏ, ở một vài doanh nghiệp, lĩnh vực. Trong khi đó, Singapore đã tận dụng được sự trợ giúp này để tạo nên bứt phá trong việc tăng NSLĐ. Để đạt được kết quả đó, cần có sự quyết tâm cao của người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người lao động.

Do đó, các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong việc cải thiện thực chất NSLĐ là sự thay đổi tư duy từ người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân, từ đó có những hành động mạnh mẽ và toàn diện.

Muốn cải thiện được NSLĐ, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thanh kiểm tra, xóa bỏ các hàng rào cản trở sự đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ cho các nhóm ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân trong việc mở rộng quy mô sản xuất, thị trường để tạo thêm lực hút cho quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Việc tăng NSLĐ của doanh nghiệp sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Doanh nghiệp làm ăn bài bản, lành mạnh sẽ tạo nên sức ép nhất định lên chính sách kèm theo. Nếu Nhà nước không có sự cải tổ thì không thể nâng cao năng suất lên được”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu đã cho rằng việc nâng cao NSLĐ là quan trọng và cấp bách, thì phải có một ai đó chịu trách nhiệm, phải có một cơ quan đầu mối, có đủ năng lực. Thành lập Hội đồng Năng suất Việt Nam hay nâng cấp Viện Năng suất Việt Nam lên tầm quốc gia chứ không nằm trong phạm vi một tổng cục... là hết sức cần thiết.

Kinh nghiệm của các quốc gia như Nhật Bản, Singapore được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo đều cho thấy, muốn nâng cao nhận thức và ý thức về tăng NSLĐ thì phải luôn có sự cam kết chính trị mạnh mẽ, cấp cao, thiết lập thể chế khuyến khích và hỗ trợ. Từ đó, đưa vào hành động vững chắc bắt nguồn từ xã hội kinh doanh.

“Tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất; phát động phong trào năng suất quốc gia; nâng cao nhận thức là những yếu tố quan trọng cho vấn đề này. Có giải thưởng về năng suất và tôn vinh những người thắng cuộc để thúc đẩy việc tăng năng suất trong toàn xã hội”, ông Lộc gợi ý.

Chuyên đề