Môi trường kinh doanh Việt Nam được đánh giá cao

(BĐT) - Không phải cứ doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường có nghĩa là “khai tử”, bởi do môi trường kinh doanh tác động mà có thể họ rút lui để chuyển hướng kinh doanh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy động nhấn mạnh quan điểm này khi chia sẻ về câu chuyện DN thành lập nhiều nhưng DN “khai tử” cũng không ít được đề cập trong thời gian gần đây.
Chính phủ thường xuyên thực hiện rà soát và kiểm soát môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm
Chính phủ thường xuyên thực hiện rà soát và kiểm soát môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều lý do khiến DN rút khỏi thị trường

Theo ông Đông, môi trường kinh doanh liên tục thay đổi, trên thế giới cũng vậy không có môi trường kinh doanh của quốc gia nào tồn tại vĩnh cửu. Môi trường kinh doanh không thể làm một lần rồi xong, là có được môi trường kinh doanh tốt. Để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm ứng phó phù hợp với những diễn biến của thị trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện điều chỉnh chính sách tháo gỡ vướng mắc cho DN. Đơn cử như ở Nhật Bản, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa nước này được ban hành năm 1963, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với quá trình phát triển. Kết quả là Nhật Bản đang sở hữu một lực lượng DNNVV có chất lượng cao và không ngừng phát triển. Từ thực tế này cho thấy, việc cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ của mọi Chính phủ, là công việc phải làm thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của DN, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Hơn nữa, thực tế không môi trường kinh doanh nào đảm bảo mọi DN sinh ra cũng tồn tại vĩnh cửu, bởi khi kinh tế thay đổi, công nghệ thay đổi, sức mua thay đổi… những yếu tố này đều tác đông lên sự sống còn của một DN. Những doanh nghiệp có thương hiệu lớn một thời như: FUJI, Kodak…đến nay, cũng khuất khỏi thị trường; Nokia cũng không còn được tầm cỡ như trước. Do đó, việc DN rút lui khỏi thị trường còn cao không có nghĩa là môi trường kinh doanh chưa tốt.

“Một tên DN rút khởi thị trường có rất nhiều lý do. Tuy nhiên, DN rút khỏi thị trường không có nghĩa là DN “chết” mà có thể rút để chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác phù hợp hơn”, ông Đông nêu quan điểm.

Cũng theo ông Đông, có trường hợp DN ra đời chỉ nhằm mục đích kinh doanh chụp giật, hoạt động trong ngắn hạn rồi sau đó biến khỏi thị trường để trốn thuế. “Hành vi rút lui khỏi thị trường này là hành vi có chủ ý, không xuất phát từ môi trường kinh doanh”, ông Đông nói. Bên cạnh đó, cũng có thể DN do hoạt động đầu tư, kinh doanh kém buộc phải rút lui khỏi thị trường… Hơn nữa, trong thời gian gần đây chính sách về giải thể phá sản DN rõ hơn thì việc triển khai giải thể phá sản cũng thuận lợi hơn.

Từ phân tích trên, ông Đông nhấn mạnh, khi nói môi trường kinh doanh chưa thuận lợi khiến DN “khai tử” chỉ nên xét hẹp trong phạm vi do chính sách quản lý của nhà nước ở một số lĩnh vực nào đó còn có những điểm chưa thuận lợi, còn rào cản, còn khó khăn. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền phải nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể để đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển, thời gian qua, Chính phủ thường xuyên thực hiện rà soát và kiểm soát môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19 và Chỉ thị số 35. Gần đây, Chính phủ đã mở hẳn trang thông DN để lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị của họ. Kể từ khi chuyên trang ra mắt, Chính phủ đã nhận được rất nhiều kiến nghị của DN phản ánh về những vướng mắc liên quan. Ngay sau khi Chính phủ nhận được kiến nghị của DN đều giao cho những cơ quan chuyên môn xử lý, làm rõ. Trong thời gian gần đây, số lượng kiến nghị nhận được cũng đã giảm đi nhiều so với ngày đầu ra mắt.

Ông Đông cũng chia sẻ, trong chuyến công tác nước ngoài của ông gần đây, nhiều đại diện quốc tế đánh giá rất cao về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam đang có môi trường vĩ mô rất khả quan với kinh tế ổn định, tăng trưởng cao (so với kế hoạch không đạt kỳ vọng nhưng so với quốc tế là tăng trưởng cao), tăng trưởng tín dụng và dư nợ tín dụng cho DN cũng tăng lên...

Thêm vào đó, với cơ chế của Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được ban hành là khuyến khích các DN tham gia các hiệp hội, ngành nghề chuyên môn để tự bảo vệ môi trường kinh doanh của mình khi có những điểm bất lợi. Đó là những điều kiện quan trọng để tạo lập niềm tin giúp DN yên tâm đầu tư kinh doanh cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Về số liệu thống kê số DN thành lập nhiều nhưng khai tử cũng nhiều, ông Đông cho biết, hiện việc quản lý đăng ký doanh nghiệp thông qua điện tử, do đó số liệu thống kê khá sát với thực tế. Tuy nhiên ông Đông lưu ý, khi so sánh giá trị tuyệt đối giữa DN thành lập và DN ra đi của từng thời kỳ mà có giá trị dương lớn thì điều đó có nghĩa là môi trường kinh doanh đang tốt lên chứ không phải giảm đi. Chẳng hạn, có năm số DN đăng ký thành lập mới là 60 DN, nhưng số DN “chết” là 50 thì số DN còn tồn tại thực tế chỉ là 10 DN; tuy nhiên có năm số DN thành lập mới là 100 DN, nhưng khai tử là 60 thì số dư 40 DN…

Chuyên đề