Mở rộng cơ hội lựa chọn hình thức kinh doanh

(BĐT) - Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa bế mạc. 
Hộ kinh doanh được khẳng định địa vị pháp lý sẽ góp phần phát huy khả năng đầu tư, kinh doanh của loại hình này. Ảnh: Minh Khuê
Hộ kinh doanh được khẳng định địa vị pháp lý sẽ góp phần phát huy khả năng đầu tư, kinh doanh của loại hình này. Ảnh: Minh Khuê

Tiếp tục tham vấn hoàn thiện Dự thảo Luật, tại Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) diễn ra ngày 28/11, tại Hà Nội, nhiều ý kiến tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật, mở rộng cơ hội lựa chọn hình thức kinh doanh cho nhà đầu tư.

Gỡ bỏ những hạn chế về quyền kinh doanh

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung một chương về hộ kinh doanh với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh, tạo cơ hội cho loại hình này phát triển.

Về lý do cần khung pháp lý cho hộ kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chia sẻ: Thứ nhất, hiện hộ kinh doanh được quy định gián tiếp trong Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (DN). Song nghị định này không quy định rõ địa vị pháp lý cụ thể của hộ kinh doanh. Điều này dẫn đến quyền, trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh không rõ, và khi không rõ sẽ gây rủi ro cho xã hội. Quan sát trên thực tế, ông Hiếu cho rằng, các đối tác có sự ngần ngại khi tham gia giao dịch với hộ kinh doanh do lo ngại rủi ro, làm hạn chế cơ hội kinh doanh của loại hình này.

Thứ hai, thái độ ứng xử với hộ kinh doanh trong các quy định pháp luật cũng chưa rõ ràng. Thời gian qua, một mặt chúng ta thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, nhưng thừa nhận khiên cưỡng bằng cách đưa ra các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang DN, tức là thừa nhận miễn cưỡng chứ không trao quyền lựa chọn cho nhà đầu tư. Mặt khác, quy định về hộ kinh doanh hiện nay cũng gián tiếp hạn chế các quyền kinh doanh như thương quyền, lao động… Điều này có nghĩa là nguồn lực đầu tư không có cơ hội phát huy tối đa lợi ích.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh rất đặc thù ở Việt Nam, đóng góp tới 30% GDP. Tuy nhiên, những thống kê về khu vực này hiện rất mù mờ. Quan trọng hơn, hộ kinh doanh phải được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và gỡ bỏ những hạn chế về quyền kinh doanh, phạm vi kinh doanh. Thực tế, các hộ kinh doanh gần như không nhận được sự hỗ trợ nào dù vẫn phải đóng thuế, ràng buộc nhiều về quyền…

Cơ hội hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh

Với thực trạng khung pháp lý về hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng như trên, tại Hội thảo, đa số các ý kiến góp ý nhấn mạnh, hộ kinh doanh đang có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Vì thế, cần thiết phải khẳng định địa vị của hộ kinh doanh trong Luật DN (sửa đổi) để hộ kinh doanh được quyền làm lớn, phát huy khả năng đầu tư, kinh doanh.

Vậy Dự thảo Luật DN (sửa đổi) nên quy định như thế nào để hộ kinh doanh có cơ hội phát huy tối đa lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Hiếu cho biết, Dự thảo Luật khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh với việc thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh để mở rộng lựa chọn hình thức kinh doanh cho nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn đầu tư thì họ sẽ thúc đẩy kinh doanh, đảm bảo an toàn và có đầy đủ quyền năng để tối đa hóa lợi ích.

Cũng theo ông Hiếu, khi đưa hộ kinh doanh vào Dự Luật, đánh giá tác động cho thấy, không có tác động tiêu cực nào đến hộ kinh doanh. “Về cơ bản không làm tăng thủ tục hành chính cho hộ kinh doanh, mà chỉ là trao thêm quyền cho họ”.

Khẳng định việc tạo thuận lợi trong kinh doanh của loại hình này cần phải được pháp luật bảo hộ, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, giờ đã đến lúc luật hóa những quy định của Nghị định 78 để nâng cấp một số chế định về hộ kinh doanh. Về lâu dài có thể ban hành một đạo luật riêng về khu vực này.

Góp ý về nội dung này, đại diện Ban Pháp chế thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cho rằng, cần đưa hộ kinh doanh vào Luật để có khung pháp lý tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ kinh doanh hơn nữa, bởi các quy định đang đưa ra còn sơ sài.

Bày tỏ sự cần thiết phải khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết, hiện nhiều nước không dùng khái niệm hộ kinh doanh mà chỉ có cá nhân kinh doanh và tổ chức kinh doanh. Luật Thương mại của Việt Nam cũng có hai đối tượng này. Hộ kinh doanh nên được xác định là cá nhân… để phù hợp với Luật Thương mại.

Theo kế hoạch, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 5/2020.

Chuyên đề