Mất cân đối tài chính, TISCO tái cấu trúc nợ

(BĐT) - Tại thời điểm 31/3/2018, nợ phải trả của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã lên tới 8.810,07 tỷ đồng, chiếm 82,28% tổng nguồn vốn. Sự thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các khoản nợ cũng như hiệu quả kinh doanh chưa tốt khiến cơ cấu tài chính của TISCO rơi vào tình trạng mất cân đối trầm trọng. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Vì vậy, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của TISCO diễn ra ngày 12/6 đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ hơn 1.800 tỷ đồng tại VietinBank để giảm bớt áp lực tài chính cho Công ty. 

Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.000 tỷ

Trong cơ cấu nợ phải trả cuối quý I/2018 của Công ty thì nợ ngắn hạn đã chiếm tới 52,93% khi đạt 4.664,55 tỷ đồng với 3 khoản mục có tỷ trọng lớn nhất lần lượt là: Phải trả người bán ngắn hạn 1.483 tỷ đồng; Phải trả ngắn hạn khác 290,91 tỷ đồng và Vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.685 tỷ đồng. Song do bị “mắc kẹt” tới 4.904,69 tỷ đồng tại Dự án Mở rộng sản xuất Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cùng với hiệu quả kinh doanh luôn duy trì ở mức thấp đã khiến cho TISCO rơi vào trạng thái mất cân đối tài chính trầm trọng khi nợ ngắn hạn phải trả đang vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty gần 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, khoản vay của TISCO tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) phục vụ cho dự án nói trên đã bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay từ 1/1/2017. Song do tiềm lực tài chính yếu, Công ty không thu xếp đủ dòng tiền để thực hiện chi trả các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn.

Trong giai đoạn triển khai Dự án (2009 - 2010), TISCO đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), cổ đông sở hữu 65% vốn, bảo lãnh khoản vay tại VietinBank trị giá 1.864 tỷ đồng. Đến nay, Vnsteel đã được phê duyệt phương án thoái vốn tại TISCO, giảm tỷ lệ sở hữu từ 65% xuống còn 21,5%. Do đó, Vnsteel đề nghị TISCO thế chấp quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ và mỏ than Phấn Mễ để bảo đảm quyền lợi cho Vnsteel trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh với khoản vay tại VietinBank.

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của TISCO đã thông qua kế hoạch thế chấp toàn bộ quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ và mỏ than Phấn Mễ cho Vnsteel để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh với khoản vay 1.864 tỷ đồng tại VietinBank hoặc cho VietinBank hay một tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của VietinBank khi VietinBank hoặc tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của VietinBank giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay nêu trên cho Vnsteel.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ của TISCO từ 1.840 tỷ đồng lên 1.936 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 9,7 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ) cho tổ chức thừa kế/mua lại khoản nợ của VietinBank. Tuy nhiên, theo Báo Đấu thầu, đây chỉ là giải pháp tạm thời cơ cấu lại kỳ hạn của khoản nợ, giúp thu hẹp chênh lệch giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn. Về lâu dài, Công ty phải giải quyết Dự án “đắp chiếu” 4.904,69 tỷ đồng mới hy vọng cải thiện thực sự tình hình tài chính. 

Manh nha thoái vốn thông qua chuyển nợ thành vốn góp

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc khoản nợ 1.840 tỷ đồng tại VietinBank, ĐHĐCĐ thường niên 2018 của TISCO cũng đã thông qua việc cho phép tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của VietinBank được quyền chuyển một phần nợ lãi thành vốn góp cổ phần tại Công ty, tương ứng với 5% vốn điều lệ sau khi trở thành chủ nợ của doanh nghiệp này. Số nợ còn lại mà TISCO không trả được theo kế hoạch thì tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của VietinBank hoặc nhà đầu tư mua lại nợ của tổ chức thừa kế/mua khoản nợ sẽ được quyền chuyển tiếp một phần nợ thành vốn góp tối đa không quá 1.000 tỷ đồng.

Lộ trình này đang mở ra một hướng mới trong việc thoái vốn nhà nước tại TISCO. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ thực hiện mua lại khoản nợ của VietinBank tại TISCO, sau đó thực hiện chuyển đổi dần sang cổ phần tối đa là 1.000 tỷ đồng. Đây là một bước đi khá hợp lý vừa giúp cân đối tình hình tài chính của doanh nghiệp, đồng thời giúp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại TISCO giảm từ 42,11% xuống còn trên 26%.

Với suy luận như vậy, nhà đầu tư sáng giá nhất sẽ là Công ty CP Thương mại Thái Hưng. Trong quý II/2017, công ty này đã liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại TISCO khi hoàn tất thương vụ mua vào 17.817.900 cổ phiếu TIS (ngày 28/4/2017) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với giá bình quân 11.216 đồng/CP. Sau đó ít ngày, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 18,99 triệu cổ phiếu để trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai sau Vnsteel sở hữu 20% vốn tại TISCO. Tham vọng chi phối TISCO của vị đại gia ngành thép này là khá rõ ràng, và đây rõ ràng là một cơ hội giúp Thái Hưng gia tăng tỷ lệ sở hữu thông qua đòn bẩy tài chính. Mặc dù vậy, nút thắt của vấn đề sẽ nằm ở mức giá mua lại khoản nợ 1.864 tỷ đồng tại VietinBank.

Chuyên đề