Mất cả trăm tỷ vì… xui xẻo

(BĐT) - Mất hàng trăm tỷ đồng nhưng nếu hoạt động kinh doanh chính khả quan, các doanh nghiệp vẫn có thể lạc quan vào những gì đạt được và phản ứng của thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

PNJ gặp bất lợi từ Đông Á Bank

Năm 2015, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bỗng dưng “nổi tiếng” trên sàn chứng khoán với khoản đầu tư chẳng liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của Công ty. Đó là khoản đầu tư lâu năm vào Ngân hàng Đông Á(Đông Á Bank - DAB). Khi ngân hàng này rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, PNJ buộc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư được ghi giá trị sổ sách 395 tỷ đồng. Không ngoại trừ việc phải trích lập 100% giá trị.

PNJ – với xu hướng gia tăng thị phần trong lĩnh vực vàng trang sức, cổ phiếu Công ty luôn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại và đã kín room từ lâu. Từ khi thông tin Đông Á Bank bị kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu PNJ liên tục lao dốc. Trong vòng chưa đầy 1 tháng (tháng 8/2015), PNJ mất 20% giá trị, giảm xuống chỉ còn 32.500 đồng/cổ phiếu. Kết thúc 6 tháng, theo báo cáo chưa soát xét, PNJ lãi hợp nhất gần 176 tỷ đồng (sau khi trích lập dự phòng “tượng trưng” 55 tỷ đồng). Con số này thua xa giá trị khoản đầu tư của PNJ vào DAB. Có nghĩa là, PNJ làm lụng cả năm cũng không đủ bù đắp khoản đầu tư “xui xẻo” của Công ty.

Tính đến cuối năm 2015, PNJ đã phải trích lập dự phòng 311 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DAB.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận thu được của PNJ chỉ ở mức 227 tỷ đồng – nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với khoản đầu tư vào DAB. Trong trường hợp xấu nhất, lợi nhuận kiếm được trong nửa năm của PNJ dễ dàng “tan thành mây khói” nếu phải trích lập toàn bộ cho khoản đầu tư đen đủi này.

Trước diễn biến nóng, PNJ đã nhanh chóng phản hồi.Đại diện PNJ cho biết,Công ty đã trích lập dự phòng cho khoản đầu tư nói trên 55 tỷ đồng – một con số cực kỳ khiêm tốn so với giá trị sổ sách là 395 tỷ đồng. Thông điệp mà doanh nghiệp này đưa ra là, khoản đầu tư xui xẻo nói trên không đủ sức khiến Công ty thua lỗ. PNJ đã đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống cửa hàng từ cuối tháng 6/2015. Thị phần tăng đủ sức để Công ty lấp đầy những khoản dự phòng phải trích lập cho cổ phiếu DAB.

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2015 của PNJ cho thấy, khoản đầu tư vào Đông Á Bank đã được công ty này trích lập dự phòng tới 310 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2015 trích lập thêm 300 tỷ đồng. Như vậy là 78% giá trị khoản đầu tư khổng lồ nói trên đã được PNJ dự phòng. Quý 4/2015, Công ty thua lỗ 136 triệu đồng, cả năm lãi ròng 153 tỷ đồng. Mặc dù so với kế hoạch, PNJ mới chỉ thực hiện được một nửa, tuy nhiên, nếu tính cả khoản dự phòng mà Công ty đã phải trích lập, kết quả kinh doanh chính của PNJ là rất đáng khích lệ.

Phản ứng của thị trường đối với PNJ khá “công bằng” khi cổ phiếu Công ty sau đợt lao dốc vì khủng hoảng, đã liên tục tăng điểm và hiện đang neo ở mức giá 45.000 đồng, tăng 38,5% so với lúc nằm trong “tâm bão”. 

PVTex thua lỗ nghìn tỷ: Quả đắng của Đạm Phú Mỹ

Một khoản trích lập dự phòng trăm tỷ khác, nhưng lặng lẽ hơn là của Đạm Phú Mỹ - DPM. Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí(PVTex)là công ty liên kết của Đạm Phú Mỹ với giá trị khoản đầu tư của DPM vào công ty này lên tới 562 tỷ đồng. Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVTex gặp khó khăn và nhà máy đã dừng vận hành từ giữa tháng 9/2015. Ước tính trong năm 2015, PVTex thua lỗ khoảng 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2014, DPM đã trích lập dự phòng 364 tỷ đồng, tương ứng với mức lỗ của PVTex theo tỷ lệ sở hữu. Đến hết quý 3/2015, Công ty đã trích lập nốt 198 tỷ đồng. Giá trị khoản đầu tư của DPM vào PVTex chính thức không còn giá trị.

Rất may đối với Đạm Phú Mỹ, giá dầu giảm lại là một tin vui đối với Công ty khi chi phí đầu vào giảm sâu. Vì thế, việc PVTex thua lỗ gần như không đủ làm DPM “yếu đi”. Năm 2015, công ty này vẫn yên vị trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” với lợi nhuận đạt được 1.522 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả đạt được năm 2014.

Còn nhớ năm 2012, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) bị bắt, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng khốn đốn với khoản đầu tư 264 tỷ đồng liên quan đến nhân vật này. Công ty đã trích lập dự phòng 164 tỷ đồng, với kỳ vọng sẽ thu lại “một phần” khoản tiền nói trên. Việc trích lập có phần e dè của Hòa Phát đã là một trong những nguyên nhân tranh cãi nảy lửa tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Công ty. Tuy nhiên, hết sức bất ngờ, đến quý 3/2013, Hòa Phát cho biết đã thu về trọn vẹn 264 tỷ đồng, vì vậy được hoàn nhập 164 tỷ đồng đã trích lập. Hòa Phát là một trong những trường hợp may mắn hiếm hoi…

Như vậy là, dù có mất đi hàng trăm tỷ, nếu hoạt động kinh doanh chính khả quan, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể lạc quan vào những gì đạt được và phản ứng của thị trường.

Chuyên đề