Mảng tối lấn át hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

(BĐT) - Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN có vốn góp nhà nước vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy bức tranh toàn cảnh của DNNN không mấy sáng sủa.
Tính đến đầu năm 2015, cả nước còn tổng cộng 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Ảnh Internet
Tính đến đầu năm 2015, cả nước còn tổng cộng 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Ảnh Internet

Nợ phải thu khó đòi tăng…

Tính đến đầu năm 2015, cả nước còn tổng cộng 781 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Trong đó, có 8 tập đoàn kinh tế, 85 tổng công ty, 26 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình mẹ - con, 277 công ty TNHH MTV hoạt động độc lập cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích và 385 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại đang nắm giữ tổng tài sản trị giá 3.105.453 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm 2014; tài sản cố định chiếm 43% tổng tài sản.

Các DN này hiện có vốn chủ sở hữu là 1.233.723 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2014, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 1.709.780 tỷ đồng, tức là chỉ tăng 1% so với cách đó 1 năm. Đáng lưu ý là 26 công ty hoạt động theo mô hình mẹ - con có doanh thu giảm tới 21% và khối DN hoạt động độc lập có doanh thu giảm 1%. Hai khối DN này chiếm tới 11% tổng doanh thu của khu vực DNNN.

Theo số liệu giám sát của Bộ Tài chính, lợi nhuận trước thuế của 781 DNNN năm 2014 chỉ đạt 187.699 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước. Trong đó, 8 tập đoàn kinh tế đạt lợi nhuận trước thuế chỉ có 130.671 tỷ đồng, chiếm tới 70% tổng mức lợi nhuận của toàn bộ khu vực DNNN, nhưng lại bị giảm 2%.

Mặc dù đang nắm giữ số vốn lên tới hàng triệu tỷ đồng, nhưng số liệu của Bộ Tài chính cho biết, toàn bộ 781 DNNN năm 2014 chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 278.212 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.

Số liệu giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của riêng khu vực tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con vừa được Bộ Tài chính công bố cho biết, nợ phải thu của của tập đoàn, tổng công ty năm 2014 là 293.617 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng, tăng 18,6% và chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu. Trong đó, riêng PVN có số nợ lên tới 3.113 tỷ đồng, VNPT có số nợ là 1.807 tỷ đồng. Viettel, Vicem, Vincomin, Vinafood 2, Vinafood 1, Vietnam Airlines và Mobifone có số nợ lần lượt là 616 tỷ đồng, 613 tỷ đồng, 608 tỷ đồng, 544 tỷ đồng, 544 tỷ đồng, 391 tỷ đồng và 344 tỷ đồng.

Tình trạng nợ nần của công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty cũng không đỡ “bết bát” hơn khi mà kết thúc năm 2014 khu vực DN nàycó số nợ phải thu lên tới 293.617 tỷ đồng, tăng 2%. Trong đó, công ty mẹ - con có số nợ phải thu lên tới 293.617 tỷ đồng, tăng tới 19,4%. Những “gương mặt” điển hình về nợ nần khó đòi của công ty mẹ được Bộ Tài chính “điểm mặt, chỉ tên” gồm: VNPT (2.249 tỷ đồng), Vinafood 2 (702 tỷ đồng), Vicem (487 tỷ đồng), PVN (459 tỷ đồng), Mobifone (345 tỷ đồng), Vinafood 1 (304 tỷ đồng)…

Do nợ nần tăng nên các “quả đấm thép của nền kinh tế” đã phải trích 12.032 tỷ đồng để dự phòng nợ phải thu khó đòi nhằm xử lý các khoản nợ. 

Nợ phải trả cũng “đồng hành”

Theo Bộ Tài chính, một số DNNN mặc dù có số nợ phải thu khó đòi không lớn, nhưng tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu cao “ngất ngưởng” đã cho thấy tình hình tài chính vô cùng khó khăn như Công ty mẹ của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ là gần 39%; Công ty mẹ của Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ là trên 33%...

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản của DNNN năm 2014 tăng tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm. Còn đối với sản phẩm nông nghiệp, nguyên nhân là khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp, sản xuất mang tính thời vụ. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của DN bị kéo dài, làm tăng nợ phải thu và rủi ro nợ khó đòi.

Trong khi nợ phải thu tăng thì nợ phải trả cũng “đồng hành”. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, riêng khu vực tập đoàn, tổng công ty năm 2014 có tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tăng 8% so với 1 năm trước đó. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của toàn bộ tập đoàn, tổng công ty là 1,41 lần (thấp hơn quy định là 1,5 lần), nhưng có tới 28 đơn vị có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 23 công ty mẹ.

Bức tranh toàn cảnh của DNNN như nêu trên rõ ràng là không sáng sủa. Tuy nhiên, trong bức tranh này, cũng có một vài điểm sáng nhờ quá trình tái cơ cấu. Bộ Tài chính cho biết, nhiều đơn vị những năm trước đây “lỗ đầm đìa”, thì nhờ hoạt động tái cơ cấu, năm 2014 đã hoạt động có hiệu quả và bù đắp được lỗ lũy kế của các năm trước như Tổng công ty Cà phê đạt lợi nhuận 80 tỷ đồng, VTC đạt 77 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đạt 70 tỷ đồng, Tổng công ty Chè đạt 1,5 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, số tiền lãi của một vài DN kể trên còn quá nhỏ nhoi so với số lỗ của các DNNN trong năm 2014. Cụ thể, chỉ tính riêng lỗ phát sinh của 10 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2014 đã là 4.901 tỷ đồng; còn lỗ lũy kế của 19 tập đoàn, tổng công ty tính đến đầu năm 2015 lên tới con số 24.451 tỷ đồng.

Chuyên đề