Lilama có dễ thoái vốn khỏi Lilama 10?

(BĐT) - Nếu thoái vốn thành công, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) tại Công ty CP Lilama 10 (mã chứng khoán: L10) sẽ giảm từ 51% xuống còn 36%.
Doanh thu thuần cả năm 2018 của Lilama 10 đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2017. Ảnh: Hoài Tâm
Doanh thu thuần cả năm 2018 của Lilama 10 đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2017. Ảnh: Hoài Tâm

Đồng thời, Lilama sẽ thu về số tiền hơn 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh đi xuống của Lilama 10 có thể là một yếu tố tiêu cực cho đợt thoái vốn này.

Giá khởi điểm gần gấp 2 lần thị giá

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Lilama sẽ thực hiện bán đấu giá ra công chúng 1.488.600 cổ phần tại Lilama 10 (tương đương 15,05% vốn điều lệ) nhằm thực hiện đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Lilama cho giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian dự kiến tổ chức phiên đấu giá là ngày 26/2/2019, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Giá khởi điểm một cổ phiếu L10 được Lilama đưa ra trong phiên đấu giá trên lên tới 41.480 đồng. Mức giá này cao hơn gần hai lần so với thị giá của cổ phiếu L10 thời điểm hiện tại. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, thị giá cổ phiếu L10 đang được giao dịch quanh mức 23.000 đồng/CP. Và nếu nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu của Lilama 10 trong thời gian 6 tháng trở lại đây, mức giá cao nhất chỉ đạt 30.000 đồng/CP vào ngày 24/12/2018. Như vậy, so với việc mua cổ phiếu trên sàn, nhà đầu tư tham gia thương vụ trên sẽ phải mua cổ phiếu với giá đắt hơn 1,8 lần.

Lilama 10 có vốn điều lệ là 98,9 tỷ đồng, địa chỉ tại số 989 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm 30/7/2018, số lượng cổ đông của Lilama 10 lên tới 1.098 thể nhân và pháp nhân. Trong đó có 2 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 57,98% vốn điều lệ, gồm: Lilama sở hữu 51,05% và bà Lê Thị Thiệp nắm giữ 6,93%. 

Lợi nhuận ròng giảm 41%

Mức giá khởi điểm cao hơn thị giá không chỉ là điểm trừ của phiên đấu giá trong mắt nhà đầu tư, mà kết quả kinh doanh của Lilama 10 trong năm 2018 đi xuống cũng là nhân tố tiêu cực.

Cụ thể, doanh thu thuần cả năm 2018 của Công ty đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2017. Tuy nhiên, chi phí giá vốn giảm không tương ứng khiến lợi nhuận gộp đạt 57,6 tỷ đồng, bằng một nửa con số đạt được trong năm 2017 là 113 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính và chi phí khác, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 của Lilama 10 đạt gần 20,3 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2017. Thu nhập trên một cổ phần (EPS) đạt 1.653 đồng.

Lilama 10 cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm trong năm 2018 là do giá đấu thầu ngày càng thấp vì chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây lắp. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu trong thi công gia tăng.

Những vấn đề nêu trên không chỉ là câu chuyện của riêng Lilama 10, mà nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải đối mặt trong năm 2018. Theo một báo cáo gần đây của Công ty CP Chứng khoán FPT, ngành xây dựng trong nước đang bước vào năm thứ 3 trong chu kỳ giảm tốc. Tăng trưởng thực của ngành xây dựng năm 2018 đạt 8,02% và 2019 sẽ tiếp tục giảm tốc.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Lilama 10 tại thời điểm cuối năm 2018 đạt 1.189 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả cả ngắn hạn và dài hạn đạt gần 951 tỷ đồng, chiếm 80% tổng tài sản và gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh có chiều hướng đi xuống, bán thành công 15% vốn tại  Lilama 10 là một điều không dễ dàng đối với Lilama.

Chuyên đề