Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi)

(BĐT) - Với tinh thần khẩn trương hoàn thiện dự thảo 2 luật là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), ngay sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, ngày 28/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến hoàn thiện 2 dự luật này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo xin ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, đây là 2 dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2020. Theo ông Thắng, dự thảo 2 luật này vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục tham vấn để hoàn thiện.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã được thiết kế, xây dựng và thông qua tạo thuận lợi thuận tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính sự thông thoáng, thuận lợi này đã chuyển biến tích cực trong hoạt động phát triển doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra nhanh chóng, xuất hiện những mô hình kinh doanh mới dẫn đến thiếu khung pháp lý. Yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi pháp luật về đầu tư, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hai là, trên thế giới đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư giữa các khu vực, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước. Để hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói thu hút đầu tư hấp dẫn… Việc sửa Luật Đầu tư lần này cũng nhằm tạo môi trường đầu tư thông thông thoáng hơn. Thêm vào đó, để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

“Các yếu tố này là căn cứ quan trọng để chúng ta chủ động sửa đổi, bổ sung 2 luật như đề cập trong dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến vừa qua”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện 2 dự luật trên, Hội thảo tập trung tham vấn, thảo luận về một số nội dung thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp và người dân.

Đó là vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ; điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh… đề cập trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); cơ chế đầu tư mới, sandbox; chính sách thu hút FDI… trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chuyên đề