Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp

(BĐT) - Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo với lực lượng đông đảo các bạn trẻ đam mê và có nền tảng công nghệ thông tin tốt. 
Doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay không phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực cải cách trong thời gian tới. Ảnh: Quang Tuấn
Doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay không phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực cải cách trong thời gian tới. Ảnh: Quang Tuấn

Với môi trường kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng, tinh thần khởi nghiệp đang được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kỳ vọng Việt Nam sẽ có một nền kinh tế khởi nghiệp trong thời gian tới là có cơ sở. 

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nghiệp Việt trong những ngày đầu xuân mới.

Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 khá tích cực, đang tạo đà tốt cho làn sóng khởi nghiệp, sáng tạo ở Việt Nam. Ông dự cảm thế nào về hoạt động này trong năm 2018 cũng như thời gian tới?

Năm 2018, chúng ta đang có đà phát triển rất tốt từ những kết quả về kinh tế - xã hội đạt được của năm 2017. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là cú hích quan trọng của sự kiện Techfest (Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia) diễn ra trung tuần tháng 11/2017. Do đó, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng kinh doanh của DN Việt Nam trong năm mới này.

Vừa rồi, VCCI đã có sự hợp tác với Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện khảo sát 1.500 CEO hàng đầu trong APEC. Kết quả cho thấy, có tới 60% CEO được khảo sát đang kinh doanh tại Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Tỷ lệ này thuộc diện cao nhất trong các quốc gia APEC. Việt Nam cùng Hoa Kỳ, Trung Quốc,… đang trở thành điểm đến được quan tâm hàng đầu của các CEO trong APEC.

Cùng với chiều hướng tích cực đó, ở trong nước, xu hướng thành lập các DN mới đang được đẩy mạnh. Nếu như năm 2016, Việt Nam thiết lập kỷ lục về số DN đăng ký thành lập mới với hơn 110.000 DN, thì năm 2017, đà tăng trưởng này ghi nhận con số gần 127.000 DN. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chắc chắn số lượng DN thành lập mới sẽ còn tăng mạnh.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam những năm qua, nhất là năm 2017 có nhiều khởi sắc. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khá sôi động; trào lưu mua bán, sáp nhập DN diễn ra mạnh mẽ…

Tất cả những xu hướng tích cực này sẽ góp phần không nhỏ thôi thúc DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong năm 2018. 

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về khởi nghiệp, sáng tạo. Quan điểm của ông có sự khác biệt nào không? DN khởi nghiệp, sáng tạo đang cần gì từ Chính phủ?

Tôi cho rằng, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chúng ta có lực lượng lao động trẻ đầy năng lượng và ham học hỏi, đồng thời họ cũng tích cực tiếp cận công nghệ mới. Riêng về số lượng người sử dụng Internet hiện là 52 triệu người, số người sử dụng điện thoại thông minh cũng có tới khoảng 55 triệu người trên tổng số 95 triệu dân. Con số này thuộc diện cao trên thế giới và khu vực, cho thấy khả năng tiếp cận công nghệ mới của người Việt rất nhanh, nhất là lực lượng lao động trẻ. Do vậy, khi chúng ta tạo nên một môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp nhờ việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), chắc chắn phong trào khởi nghiệp, sáng tạo sẽ bùng lên. Việt Nam sẽ có một nền kinh tế khởi nghiệp mạnh mẽ trong thời gian tới. 

Thực tế là hiện Chính phủ đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh, trong đó có thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong quá trình này, một loạt các sửa đổi chính sách cần được thực hiện, kể cả ở tầm luật, nghị định, thông tư, để tạo lập được hệ thống thể chế thích ứng với đổi mới sáng tạo. Làm được điều này đòi hỏi Nhà nước phải thông minh, hệ quản lý phải sáng tạo để thích ứng. Kinh doanh rất sáng tạo, nhưng quản lý không theo kịp sẽ kìm hãm sự phát triển của khởi nghiệp.

Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo lập hành lang pháp lý, khuyến khích hoạt động này phát triển. Ông kỳ vọng gì về sự thay đổi này?

Tôi nghĩ chúng ta không thể trông chờ vào bất cứ một văn bản pháp lý đơn lẻ nào, mà toàn bộ hệ thống pháp luật và thể chế phải hướng vào việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; hướng vào sự phát triển của hệ thống DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bởi lẽ, một văn bản riêng lẻ sẽ khó vận hành được trong một hệ thống chưa có sự chuyển biến đồng bộ.

Chính vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo thành công trong thời gian tới là dồn sức vào thúc đẩy khối DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Việc này không phải riêng trách nhiệm của bộ ngành, cơ quan nào, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và thực tế là chúng ta đang cố gắng thiết kế theo tinh thần như vậy. 

Khó khăn được xem là lớn nhất để khởi nghiệp, sáng tạo chính là bế tắc về nguồn vốn. Việc khơi thông dòng vốn theo ông sẽ phải thế nào?

Startup đòi hỏi cơ cấu vốn, tính chất vốn khá đa dạng và phù hợp với yêu cầu có tính mạo hiểm và rủi ro. Nhà nước chỉ nên có vốn mồi cho các startup nhằm thiết lập những nền tảng ban đầu, còn lại là khuyến khích, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần đầu tư. Tức là khi chúng ta có nền tảng về pháp lý thuận lợi cho việc hình thành các quỹ thì Nhà nước không cần phải bỏ tiền đầu tư, nhưng vẫn huy động được nguồn lực của xã hội cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nếu chúng ta có được những dự án tốt, tiềm năng trong một môi trường thể chế thuận lợi thì sẽ có các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. 

Từ xu hướng CMCN 4.0, theo ông, DN Việt Nam phải chuẩn bị những gì để không bỏ lỡ cơ hội phát triển mới?

Theo dự cảm của tôi, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới. Định hướng trong thu hút FDI tới đây rất cần hướng vào những lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta cần cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng của dòng vốn FDI nhằm đón đầu tốt nhất xu thế của CMCN 4.0.

Về phía DN, hãy tư duy tiếp cận CMCN 4.0 bằng những việc làm hết sức đơn giản, hãy cải tiến và sáng tạo từng khâu, từng công đoạn, từng công việc, kết nối với Internet, với thương mại điện tử để tiếp cận thông tin, quảng bá sản phẩm, huy động các nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, việc DN Việt Nam có tận dụng được cơ hội, lợi thế từ CMCN 4.0 hay không phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực cải cách trong thời gian tới. Với tinh thần của Chính phủ kiến tạo mạnh mẽ như hiện nay, hy vọng DN trong nước sẽ tận dụng được cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, góp phần đưa đất nước phát triển phồn thịnh và bền vững.

Chuyên đề