Lãi 5.700 tỷ, VietinBank vẫn không chia cổ tức

(BĐT) - Ngày 26/4/2016, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán CTG) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016.
Đại hội đồng cổ đông VietinBank “nóng” với câu chuyện sáp nhập PGBank vào ngân hàng này. Ảnh: M.T
Đại hội đồng cổ đông VietinBank “nóng” với câu chuyện sáp nhập PGBank vào ngân hàng này. Ảnh: M.T

Không chia cổ tức 2015

Năm 2015, VietinBank đạt 7.345 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so với năm 2014. Các chỉ tiêu tổng tài sản và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 17,9% và 24,7% so với năm 2014, đạt 779.483 tỷ đồng và 676.688 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận sau thuế gần 5.700 tỷ đồng, VietinBank dành gần 2.000 tỷ đồng để trích lập các quỹ tại Ngân hàng, đáng kể nhất là Quỹ khen thưởng, phúc lợi (1.140 tỷ đồng). Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng, VietinBank vẫn quyết định không chia cổ tức năm 2015, trong khi năm 2014, cổ đông của Ngân hàng vẫn nhận 10% cổ tức bằng tiền mặt (chi trả vào tháng 6/2015).

Năm 2016, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả đạt được năm 2015. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 18%, đạt 798.492 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 7 - 9%.

Trụ sở VietinBank tại Khu đô thị Ciputra được ngân hàng này khởi công tháng 10/2010. Dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành, khiến cổ đông của VietinBank lo ngại về khả năng “đội vốn”. Lãnh đạo VietinBank đã trấn an cổ đông, cho biết mọi chi phí đang được kiểm soát chặt chẽ. Đến cuối năm 2017, hoặc chậm nhất là vào năm 2018, Trụ sở sẽ được đưa vào vận hành chính thức.

Sáp nhập PGBank, “chuông reo là bắn”

Quý I/2016, VietinBank ước đạt 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 30,4% kế hoạch thực hiện năm 2016. Quy mô tài sản tăng 23% so với cùng kỳ 2015, tăng 2% so với số dư đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 23% so với cùng kỳ 2015 và tăng 3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%, tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, việc sáp nhập PGBank vào ngân hàng này đã được trình lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, chỉ chờ ý kiến của 2 cơ quan này. Sau khi được chấp thuận trong vòng tối đa 3 tháng, giao dịch sáp nhập sẽ được hoàn tất. Với giao dịch này, VietinBank sẽ tăng vốn sở hữu lên hơn 64.000 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn mực quốc tế.

Sáp nhập GPBank cũng là một trong những nguyên nhân khiến VietinBank không chia cổ tức cho cổ đông năm 2015. Theo điều khoản sáp nhập, VietinBank và GPBank  không được chia cổ tức trước sáp nhập, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực ra, việc sáp nhập PGBank vào VietinBank đã được “khởi động” từ năm 2015 khi ĐHĐCĐ VietinBank đã thông qua kế hoạch này vào năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, phương án sáp nhập đã được lên chi tiết, cụ thể. Chỉ cần các cơ quan chức năng phê chuẩn là Ngân hàng sẽ triển khai ngay. Ông Thắng nhận định, sáp nhập GPBank là một việc vô cùng đúng đắn, giúp VietinBank trong việc mở rộng hệ thống chi nhánh, chú trọng mảng bán lẻ theo chiến lược của Ngân hàng. Ông Thắng cũng cho biết, mua bán và sáp nhập (M&A) là một xu hướng không tránh khỏi trong hoạt động của ngân hàng. VietinBank cũng để ngỏ khả năng tiếp tục tìm kiếm ngân hàng phù hợp để thực hiện M&A.

Dự kiến, để nhận sáp nhập PGBank, VietinBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của PGBank (tỷ lệ 0,9 cổ phần VietinBank hoán đổi 1 cổ phần PGBank). Việc này sẽ giúp vốn điều lệ của VietinBank tăng thêm 3.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2016, VietinBank cũng dự kiến phát hành thêm gần 900 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Vốn điều lệ cuối năm 2016 dự kiến đạt 49.202 tỷ đồng, tăng 32% so với số dư đầu năm.

Chuyên đề