Kỳ vọng tham gia sâu vào chuỗi giá trị từ Hiệp định RCEP

(BĐT) - Một trong những kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP (hay còn gọi là ASEAN+6) mà Việt Nam đang đàm phán là các doanh nghiệp nội sẽ được tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực này.
Hội thảo "Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề DN cần quan tâm" diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Trần Nam
Hội thảo "Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề DN cần quan tâm" diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Trần Nam

Giảm gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào

Hiệp định RCEP là sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Đây là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Kể từ năm 2013 đến nay, Hiệp định đã trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ, 13 phiên đàm phán cấp bộ trưởng và 2 hội nghị cấp cao. 6 nội dung đã kết thúc đàm phán là hợp tác kinh tế kỹ thuật; doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); các biện pháp vệ sinh kiểm dịch; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thủ tục đánh giá sự phù hợp; mua sắm chính phủ; thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Dự kiến, Hiệp định sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay.

RCEP là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay, hơn cả khu vực CPTPP. Đây là thị trường có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn, một số quốc gia có đòi hỏi không quá cao và kỹ tính về chất lượng sản phẩm như CPTPP, EVFTA... Đây là cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh như: may mặc, tiêu dùng, thực phẩm...

Chia sẻ về mục đích tham gia đàm phán Hiệp định RCEP, tại Hội thảo Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề DN cần quan tâm vừa diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính (Trưởng nhóm đàm phán về thuế quan của RCEP) cho biết, đó là cố gắng nhằm hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

“Trong bối cảnh RCEP hài hòa về quy tắc xuất xứ và đầu tư, điều chỉnh lại nền tảng sản xuất của các DN lớn và đa quốc gia, chuỗi giá trị của RCEP sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Đây là yếu tố xúc tác tạo ra chuỗi giá trị mới giúp DN Việt Nam có cơ hội tham gia lớn hơn”, ông Phạm Tuấn Anh nhận định.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động khi tham gia RCEP giống như Hiệp định CPTPP (chủ yếu là gia tăng cơ hội xuất khẩu). Thay vào đó, lợi thế lớn nhất của RCEP đối với Việt Nam là sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của một số hàng hóa mà Việt Nam đang làm.

Cũng theo bà Trang, nếu như trước đây, giá trị hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này bị cắt khúc, thì việc tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Ở Hiệp định CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, Hiệp định RCEP là cơ hội lớn hơn cho Việt Nam.

Ngoài những cơ hội trên, thương mại điện tử, hỗ trợ DNNVV... cũng là một số nội dung đáng chú ý của Hiệp định RCEP. Theo bà Trang, thương mại điện tử là kênh thương mại trong tương lai. Việc đưa nội dung này vào Hiệp định sẽ tạo đà cho thương mại và đầu tư của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Trước RCEP, Hiệp định CPTPP cũng có quy định về hỗ trợ DNNVV, nhưng chỉ mới dừng lại ở việc tìm hiểu và tận dụng cam kết của Hiệp định. Còn hiệp định RCEP là hỗ trợ hợp tác giữa các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm trong RCEP.

Tại Hội thảo, không ít DN cũng bày tỏ quan ngại về khả năng cạnh tranh của Việt Nam với những quốc gia trong khu vực vốn có sự tương đồng về trình độ phát triển và quy mô kinh tế. Điều này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, áp lực cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường của Hiệp định RCEP là không quá lớn, ưu đãi thuế quan sẽ không tạo sự biến động lớn, bởi thực tế đến nay, nhiều dòng thuế của Việt Nam đã mở cửa ở mức cao nhất, gần như hoàn toàn (Trung Quốc là 86% - tương đương với 9.000 dòng thuế).

Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất khó khăn

Trong bối cảnh các vòng đàm phán Hiệp định RCEP sắp đi đến hồi kết, bà Trang khuyến cáo, các DN ngành hàng cần cố gắng cập nhật những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi các FTA hiện có để phản hồi sớm nhất với Đoàn đàm phán của Chính phủ.

Để tận dụng cơ hội có được từ Hiệp định RCEP, các DN phải tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh, khắc phục những điểm yếu như: tính không chuyên nghiệp, không đồng đều về mặt chất lượng, quy trình sản xuất...

Bên cạnh ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ..., bà Phạm Thị Thương - Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Trưởng nhóm đàm phán về đầu tư của RCEP) lưu ý, khi đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam cần tìm hiểu rõ cam kết, nghĩa vụ và trách nhiệm của Chính phủ nước sở tại để đòi quyền lợi chính đáng, cũng như những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, để từ đó có chiến lược cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Chuyên đề