Kỳ tích VinFast và hành trình vượt đại dương

(BĐT) - Hơn 1 năm trước, VinFast đã vượt đại dương để đặt bước chân đầu tiên ở sân chơi lớn nhất thế giới - Paris Motor Show. Giờ đây, một hành trình vượt biển khác mang khát vọng lớn hơn lại đang đón chờ niềm tự hào của người Việt.
Trong 21 tháng, Vingroup đã biến vùng đầm lầy thành một tổ hợp nhà máy hiện đại bậc nhất của khu vực
Trong 21 tháng, Vingroup đã biến vùng đầm lầy thành một tổ hợp nhà máy hiện đại bậc nhất của khu vực

Từ vũng sình lầy tới niềm tự hào Việt Nam

VinFast xuất hiện vào thời điểm không ai ngờ nhất. Ngày 2/9/2017, khi thị trường trong nước hồi hộp đợi sóng ô tô ASEAN tràn về Việt Nam thì Vingroup bất ngờ tuyên bố sẽ "bẻ lái" vào nền công nghiệp ô tô.

Khi Vingroup công bố kế hoạch xây dựng “đại bản doanh” VinFast quy mô 335 ha tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, nhìn ra vùng đầm lầy ngút tầm mắt, người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng những chiếc ô tô Việt sẽ có hình hài thế nào.

Bẵng đi một thời gian, khách đường xa đi qua huyện Cát Hải đều bất giác thả nhẹ chân ga vì một tổ hợp lừng lững mọc lên giữa vùng sình lầy ngày nào.

Ngày 14/6/2019, trong buổi lễ khánh thành Nhà máy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới 2 từ "kỳ tích" khi nhìn lại 650 ngày của VinFast. "Sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy Ô tô VinFast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trải qua tất cả hoài nghi, thậm chí là cười nhạo, như lời lãnh đạo VinFast cảm thán: “Chúng tôi đã chiến đấu trong 21 tháng qua để có được sự tự hào tột cùng”. 21 tháng để biến vùng đất, để biến đầm lầy, không đường sá, không cơ sở hạ tầng thành một tổ hợp nhà máy hiện đại bậc nhất của khu vực là một điều gần như không tưởng. Các công ty tiềm lực nhất trên thế giới thường cũng phải mất 3 - 6 năm để làm điều tương tự.

VinFast đã làm được. Và quan trọng hơn, với VinFast, người Việt đã chính thức chuyển từ gia công sang làm chủ chuỗi giá trị sản xuất với một thương hiệu riêng. Để làm được điều này, VinFast đã xây dựng hệ thống 6 xưởng kết nối liên hoàn, tự động là: xưởng dập, xưởng hàn thân vỏ, xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng phụ trợ và xưởng lắp ráp.

Hệ thống cả nghìn robot do ABB sản xuất và hệ điều hành sản xuất thông minh do Siemens và SAP cung cấp khiến người lần đầu bước vào Nhà máy có cảm giác đang lạc vào những bộ phim khoa học viễn tưởng. Hệ thống robot này vận hành hoàn toàn tự động, được kết nối với nhau và có khả năng tự vận hành theo lập trình sẵn. Công suất Nhà máy VinFast đạt 500.000 xe/năm. 

Với VinFast, người Việt đã chính thức chuyển từ gia công sang làm chủ chuỗi giá trị sản xuất với một thương hiệu riêng

Cho tới tương lai vượt đại dương

VinFast lần đầu chạm mặt người dùng Việt vào ngày 20/11/2018 với đủ mặt “anh tài” là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Hàng nghìn người đã tới Công viên Thống Nhất chỉ để “sờ tận tay” chiếc xe do người Việt làm ra.

Sau tất cả, VinFast thuyết phục được những chuyên gia khó tính nhất bởi hệ thống động cơ, khung gầm thân xe được sản xuất theo giấy phép của BMW. Bởi thế, ngay từ thời điểm tháng 7/2019, khi những chiếc ô tô đầu tiên được bàn giao, nhiều người gọi những chiếc xe VinFast là “cỗ máy lái chất lượng Đức”.

Hãng xe Việt cũng bắt tay với hàng loạt đối tác hàng đầu thế giới như AVL (phát triển hệ thống truyền động, động cơ), ZF (cung cấp hộp số), Pininfarina (thiết kế nội, ngoại thất), Bosch (linh kiện và công nghệ).

Tháng 10/2019 là một cột mốc đáng nhớ khi Chương trình Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP) chính thức trao chứng nhận an toàn ở mức cao nhất - 5 sao - cho hai dòng xe Lux SA2.0 và Lux A2.0. Dòng xe đô thị đa dụng Fadil cũng đạt chứng nhận an toàn 4 sao - mức rất cao đối với một mẫu xe thuộc phân khúc A.

Không ai cảm nhận được chất lượng xe VinFast rõ nét như hơn 350 con người đã cùng nhau thực hiện hành trình chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn trên những chiếc xe VinFast trong những ngày đầu tháng 12/2019.

Trên hành trình 1.000 cây số với ngổn ngang những khúc cua tay áo, đường đèo núi hiểm trở, những chiếc xe VinFast thực sự có dịp "lửa thử vàng". "Xe khỏe, ổn định, bám đường tốt, khoang xe rộng, thoải mái, ngồi trong xe không hề cảm giác bị văng..." - những câu nói ấy được hàng trăm con người lặp đi lặp lại với nhau tới tận bây giờ.

Cũng trong một ngày cuối năm 2019, trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin nổi tiếng Bloomberg, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã tiết lộ kế hoạch muốn xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế", ông nói.

Mọi người đang chờ khoảnh khắc những chiếc VinFast vượt đại dương sang bên kia địa cầu, có mặt ở một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Lúc ấy, kỳ tích có thể là cụm từ thêm một lần được thốt lên. Nhưng, với những con người đang nỗ lực để cái tên Việt Nam được vang xa hơn, đó đơn giản là trái ngọt cho hành trình dám khát khao và nỗ lực vươn lên.

Chuyên đề