Không tạo bất bình đẳng cho doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức tại TP.HCM giữa tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, dự luật này sẽ là khung khổ pháp lý cao nhất và mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sản xuất thiết bị gia dụng tại công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.
Sản xuất thiết bị gia dụng tại công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.

Theo Thứ trưởng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này ở tình trạng “yếu và thiếu đủ thứ”. Công tác hỗ trợ đã có những chưa thực sự hiệu quả.

Thực tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai từ năm 2001, với sự ra đời của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã được thay thế bởi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP). Nhiều kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ khu vực này đã được ban hành và triển khai, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng tác động chưa rõ rệt.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vùa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp.

Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng (như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công), kết quả hỗ trợ còn hạn chế… Đây là lý do nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách này.

Thêm nữa, sự phân tán quản lý và thực thi ở nhiều bộ, ngành trong thực thi các chính sách liên quan khiến tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin - cho, doanh nghiệp nhiều khi không có đủ lực để theo đến cùng.

“Luật hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy có chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chậm còn hơn là không”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh. Mục tiêu là đưa ra các biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Đặc biệt, dự luật này sẽ xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

Tuy vậy, cũng có quan ngại rằng, dự luật này có khả năng trái với những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do. Về câu hỏi này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề cập trong dự thảo luật, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, những sự hỗ trợ này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, trong dự thảo luật phân chia các nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ với các mức khác nhau chứ không cào bằng, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển, có nguy cơ cao phải giải thể, phá sản.

Chuyên đề