Không kinh doanh, doanh nghiệp Quảng Nam vẫn lỗ gần 900 tỷ đồng

Chi phí tài chính tăng đột biến khi thoái vốn tại 4 công ty kinh doanh kém hiệu quả khiến Cao su Quảng Nam lỗ ròng đến 878 tỷ đồng.
Cao su Quảng Nam trải qua 3 quý liên tiếp không có doanh thu, trong khi lỗ ròng vẫn tiếp tục tăng lên.
Cao su Quảng Nam trải qua 3 quý liên tiếp không có doanh thu, trong khi lỗ ròng vẫn tiếp tục tăng lên.

Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam (mã CK: VHG) vừa công bố báo cáo tài chính quý thứ ba liên tiếp trong năm 2017 không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm trước xấp xỉ 140 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, dù thị trường cao su thiên nhiên diễn biến khả quan nhưng do địa chất và khí hậu tại vùng nguyên liệu không thuận lợi nên nếu đẩy mạnh khai thác thì không mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí còn dẫn đến thua lỗ.

Doanh thu hoạt động tài chính của Cao su Quảng Nam chưa đến một triệu đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng vọt lên 842 tỷ đồng do ghi nhận thua lỗ khi thoái vốn tại một số công ty kinh doanh không hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những khoản thoái vốn đáng chú ý là tại Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây với giá trị ghi sổ gần 730 tỷ đồng.

Việc chạy đua thoái vốn cộng thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại khiến lỗ sau thuế của công ty tăng lên mức 878 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoản lỗ này chưa đến 13 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Cao su Quảng Nam ghi nhận doanh thu thuần 16 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ so với năm trước và cách xa kế hoạch 500 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm. Giá vốn bán hàng vượt doanh thu, cộng thêm chi phí tài chính đột biến khiến lỗ ròng của công ty xấp xỉ 1.164 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty cũng giảm hơn 1.000 tỷ đồng, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc biến động khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh liên kết. Tổng nợ phải trả tăng hơn 12 lần so với thời điểm đầu năm, lên mức 132 tỷ đồng.

Dự báo trước việc thua lỗ khi hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, công ty đã trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện và chuyển sang giao dịch tại thị trường UPCoM để tránh rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, thời gian giao dịch bị rút ngắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Tuy nhiên, vì không đạt tỷ lệ biểu quyết thông qua nên kế hoạch này chưa được thực hiện và công ty vẫn đang giao dịch trên sàn HoSE với thị giá chưa đến 1.000 đồng mỗi cổ phiếu.

Chuyên đề