Không để chính sách về thuế bị lạm dụng, phát sinh tiêu cực

(BĐT) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Chương 9 về không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế dành được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu.Vì nếu các quy định này không được thể hiện chi tiết, rõ đối tượng thì rất dễ phát sinh tiêu cực, lạm dụng chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Không để chính sách về thuế bị lạm dụng, phát sinh tiêu cực

Thẩm quyền cho phép khoanh nợ thuế

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) cơ bản đồng tình với các khoản quy định về những trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm đối với trường hợp rất vướng mắc hiện nay, đó là nợ thuế của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin.

Bởi, đối với các đơn vị này, cơ quan thuế không thể có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động nên các doanh nghiệp hiện nay cũng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ và tiền phạt chậm nộp.

Vì vậy, nên bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ cho phép khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính đối với những đối tượng như trên nhằm giải tỏa áp lực lớn đối với cơ quan thuế trong việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Trong những năm gần đây, các vụ việc hỏa hoạn, tình hình thiên tai bão lũ xảy ra diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn cả nước.  

Trước thực tế đó, đại biểu Hà Thị  Minh Tâm (Hà Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm đối với trường hợp doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh bị thiệt hại toàn bộ hoặc thiệt hại lớn tài sản vật tư, thiết bị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh do thiên tai, hỏa hoạn hoặc tai nạn, mất khả năng lao động do bất khả kháng gây ra, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc nộp chậm thuế.

Song, nhằm chống thất thu và đảm bảo tính công bằng, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xác định mức độ thiệt hại của các đối tượng đảm bảo tính chính xác, đúng đối tượng thuộc các trường hợp được quy định trong luật và đảm bảo thu đúng, thu đủ. Đồng thời, có các biện pháp, chính sách cụ thể khuyến khích, tạo nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu nhằm góp phần thực hiện thu ngân sách một cách bền vững.

Không tùy tiện xóa nợ, phát sinh tiêu cực

Theo Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 87 quy định thẩm quyền xóa nợ cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Thuế và Cục trưởng Hải quan để đảm bảo tính khách quan trong quản lý thuế.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị cân nhắc việc quy định theo hướng không nên trao quyền cho lãnh đạo ngành thuế, hải quan được quyền xóa nợ thuế. Nên giao thẩm quyền này cho cơ quan quản lý nhà nước về thuế. Vì cơ quan quản lý thuế là người quyết định ấn định thuế, miễn giảm thuế, phanh nợ thuế, nay lại thực hiện xóa nợ thuế là không phù hợp, dễ tùy tiện vi phạm nguyên tắc, phát sinh tiêu cực và khó kiểm soát.

Việc xóa nợ và khoanh nợ thuế là giải pháp được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, vấn đề đặt ra là quy định cần tránh trục lợi, lạm dụng chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp rất đa dạng nên việc chậm nộp của các doanh nghiệp rất phức tạp. Nợ tiền, chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ hoặc các nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán. Có những trường hợp bị chậm thanh toán từ ngân sách nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế của doanh nghiệp như doanh nghiệp thầu phụ cho những thầu chính thực hiện các hợp đồng bị chậm thanh toán không ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế.

Trong khi đó, việc xóa nợ và khoanh nợ thuế theo quy định của Dự thảo Luật còn chung chung và thiếu căn cứ. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ bản chất để làm cơ sở, có những cơ chế thích ứng cho từng loại và cụ thể hóa ngay trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này để tránh lạm dụng chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh, ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chính sách xóa nợ, nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch và công bằng. 

Chuyên đề