Không còn là việc thay một tấm áo mới

(BĐT) - Tính đến nay, Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” đã trải qua 4 năm thực hiện. 
 
Mục tiêu cao nhất trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là đổi mới về chất khu vực doanh nghiệp này
Mục tiêu cao nhất trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là đổi mới về chất khu vực doanh nghiệp này

4 năm, thời gian không phải là dài, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện một đề án quan trọng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không còn dừng lại ở việc “thay một tấm áo mới” cho doanh nghiệp. 

Thành quả của chặng đường tái cấu trúc

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Có thể nói, năm 2015 vừa qua được xem là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm cuối trong việc thực hiện Đề án về tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Trong thời gian qua, việc triển khai tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015, cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó cổ phần hóa được 408 DN, bằng 79,37% tổng số DN phải cổ phần hóa theo kế hoạch 2011 - 2015.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái gần 25.219 tỷ đồng đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10/2015, cả nước đã thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỷ đồng (trên tổng số 23.325 tỷ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.330 tỷ đồng.

Quá trình tái cơ cấu đã đi hết chặng đường, cùng với sự thay đổi tích cực về mặt số lượng các DNNN đã được tái cơ cấu, khả năng cạnh tranh của các DN cũng đã từng bước được cải thiện, phù hợp với mục tiêu của Đề án. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, mặc dù dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng đến hầu hết các DN, kể cả DNNN, nhưng trên 80% DNNN vẫn làm ăn có lãi, chỉ có khoảng 12% DN thua lỗ. Và thực tế cho thấy, dù trong tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy, nhưng DNNN vẫn duy trì mức đóng góp NSNN tăng đều qua các năm.

Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 công bố ngày 1/12/2015 vừa qua cũng đã minh chứng cho nhận định về vai trò của DNNN trên đây. Trong Top 100 DN lớn nhất, có đến trên 50% là DNNN, chiếm hơn 40% tổng thuế phải nộp của các DN trong Bảng xếp hạng, đẩy mức thuế phải nộp của 100 DN này chiếm trên 70%. Nổi bật hơn cả, trong top 10 DN lớn nhất Việt Nam năm 2015, có đến 8 DNNN, chiếm gần 20% tổng thuế phải nộp của 500 DN hàng đầu. Kết quả này chứng tỏ, mặc dù đang trong tiến trình tái cơ cấu DNNN, nhưng các DN này có mức nộp thuế thu nhập DN ngày càng tăng. 

Phải thay đổi cả tư duy lẫn con người

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, các chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thực chất, tái cơ cấu DNNN hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc “sáp nhập lại với nhau một cách cơ học”, chuyển giao DN yếu kém của tập đoàn này cho tập đoàn khác quản lý; quy mô của DNNN vì thế có tăng nhưng không có sự chuyển biến về chất trong hoạt động và quản lý điều hành.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đạt hiệu quả, cần thay đổi cả tư duy lẫn con người. Đã đến lúc phải dùng những nguyên tắc quản trị hiện đại đối với DNNN bằng cách áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai và minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với DNNN. Đặc biệt, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định không thoái vốn, không cổ phần hóa thì thay lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong tiến trình tái cơ cấu DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành được xem là vấn đề mang tính trọng tâm, cần sự quyết tâm của các DN. Để thực hiện hiệu quả công tác này, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới phải đẩy mạnh hơn nữa việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành.

Một việc làm quan trọng khác đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải sớm thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động tái cơ cấu đó là khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của các DN 100% vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 trước ngày 1/6/2016. Đồng thời, tiến hành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DN lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.

Thực tế, với quyết tâm lớn, thời gian qua, Chính phủ đã liên tục cập nhật, tháo gỡ mọi khó khăn từ phía DN để sớm hoàn tất kế hoạch đã định. Để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu, Chính phủ đã thực hiện nhiều “biện pháp mạnh” như: Tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của tập đoàn, tổng công ty nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là đổi mới về chất cho DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DN này.

Có thể thấy, tái cơ cấu DNNN thời gian qua đã không còn dừng lại ở việc “thay một tấm áo mới” cho DN, mà bắt đầu quan tâm đến việc chiếc áo đó có phù hợp để phát huy một cách cao độ năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của mỗi DN. Với lời cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho DNNN cũng như tăng cường công tác quản lý, giám sát; cùng với quyết tâm của các DN trong công cuộc tái cơ cấu này qua việc xây dựng hàng loạt các đề án tổng thể tái cơ cấu trình duyệt thời gian qua, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự thành công của chặng đường tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Chuyên đề