Khai thác “vốn” nhân lực đã qua đào tạo ở nước ngoài trở về nước

(BĐT) - Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động tại Việt Nam là tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm và ngoại ngữ từ những lao động, tu nghiệp sinh của Việt Nam từng làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, điểm gặp gỡ giữa cung và cầu, doanh nghiệp và người lao động có “vốn kỹ năng” vẫn còn giữ một khoảng cách khá lớn.
 
Ông Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Trần Nam.
Ông Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Trần Nam.

Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này, kết nối nhu cầu của doanh nghiệp với người lao động là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản – lần thứ 17 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 17/7, tại Hà Nội.

Nhu cầu lớn, nhưng cung chưa gặp cầu

Tại Cuộc tọa đàm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn tuyển dụng và sẵn sàng tiếp nhận những tu nghiệp sinh, lưu học sinh, lao động của Việt Nam đã từng làm việc tại Nhật Bản trở về nước. Bởi theo họ, đây là đội ngũ lao động có “vốn” trình độ ngoại ngữ tiếng Nhật, có kỹ năng và am hiểu về văn hóa, tác phong, ý thức làm việc của người Nhật nên rất cần cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam.

Thậm chí, để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ đã và đang phái cử nhiều lao động của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản để nâng cao kỹ năng, tay nghề. Sau khi trở về Việt Nam, số lao động phái cử này sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thắng, đại diện Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên hiện có 11 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đang hoạt động. Ngoài ra, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đang đầu tư một khu công nghiệp hàng trăm ha. Tỷ lấp đầy ở các khu công nghiệp trên địa bàn là rất lớn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp lên tới 3 tỷ USD. Hiện có 12 dự án do 9 nhà đầu tư đến từ tỉnh Aichi, Nhật Bản. Một số nhà máy đã hoạt động hết công suất và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Điều này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn, nhất là những lao động có kỹ năng, tay nghề chất lượng cao.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng tiếc, hiện vẫn còn nhiều lao động sau khi trở về nước chưa phát huy được kỹ năng và kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình học tập, và làm việc tại Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân chính là cung chưa gặp cầu, chưa có sự kết nối hay thiếu thông tin lao động và việc làm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một bạn trẻ đã có thời gian làm việc tại Nhật Bản gần 4 năm cho biết, sau khi trở về nước, người lao động rất khó để có thể tìm một công việc phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm mà họ đã học được. Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật, đa số đã lựa chọn làm việc tại các công ty môi giới, xuất khẩu lao động, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch...

“Mặc dù có kỹ thuật lắp ráp cánh cửa ô tô khi làm việc tại Nhật Bản, nhưng tôi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với kỹ năng này. Một là vì thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng. Hai là vì ở Nhật Bản, tôi chỉ tham gia vào một công đoạn của dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp hóa, lắp ráp hay hoàn thiện một sản phẩm. Nếu một dây chuyền sản xuất khác hay sản phẩm khác thì rất khó để thực hiện...”, một bạn trẻ chia sẻ.

Tăng kết nối cung – cầu

Mặc dù số lao động có kỹ năng, tay nghề từng làm việc ở nước ngoài trở về nước không tham gia vào sản xuất trực tiếp đến nay chưa  nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cái được lớn nhất là sự thay đổi nhận thức và truyền được cảm hứng, tạo sự lan tỏa về tác phong, tinh thần làm việc có tính kỷ luật cao, tuân thủ nghiêm ngặt về chất lượng và tính an toàn. Đây là những kỹ năng rất cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam vốn rất kỹ tính để nâng cao năng suất lao động.

“Tuy nhiên, các cựu học sinh, tu nghiệp sinh và lao động cần tiếp tục bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, trau dồi và cập nhật kiến thức chuyên môn. Điều này không chỉ là tăng cơ hội việc làm, mà còn giúp họ tham gia khởi nghiệp như “tinh thần Samurai” của người Nhật”, ông Cường lưu ý.

Từ những trao đổi và đề xuất của các doanh nghiệp của Nhật Bản, ông Cường cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tu nghiệp sinh ở Nhật Bản đã trở về nước; cũng như cơ sở dữ liệu về giới thiệu việc làm tại Việt Nam cho các tu nghiệp sinh sau khi kết thúc thời gian làm việc tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Từ đó, mới có thể thúc đẩy thị trường việc làm, tạo môi trường để tu nghiệp sinh thể hiện và cống hiến khả năng của mình.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia của Nhật Bản đã về hưu nhưng có năng lực, trình độ kỹ thuật và sức khỏe. Nguồn nhân lực này không chỉ có ích với các doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam, mà cả đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên đề