Kẽ hở xác định giá trị doanh nghiệp

(BĐT) - Xác định giá trị doanh nghiệp (DN) là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian nhất trong cả lộ trình cổ phần hóa (CPH). 
Áp dụng các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Ảnh: Tường Lâm
Áp dụng các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Ảnh: Tường Lâm

Trong giai đoạn hiện nay, khi đối tượng CPH là các tập đoàn, tổng công ty, DN có quy mô lớn đang được Nhà nước giao quản lý, sử dụng nhiều diện tích đất, nếu việc xác định giá trị DN để CPH không chính xác, công khai, minh bạch thì nguồn lực của Nhà nước sẽ rất dễ thất thoát.

Sau kiểm toán, tăng giá trị doanh nghiệp

Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), môi trường pháp lý CPH DNNN nói chung, việc xác định giá trị DNNN nói riêng trong những năm gần đây được từng bước xây dựng, hoàn thiện về cơ bản.

Song, ông Phớc cho rằng, vẫn còn những bất cập liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định giá trị DN, nhất là liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá, các quy định về xác định giá trị thị trường của tài sản. Năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá DN, xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DN và đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng.

TS. Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XI phân tích, kiểm toán việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 DN, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng 5.134,59 tỷ đồng, cụ thể: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 440,64 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp hơn 1.333 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí 2.029,18 tỷ đồng, Công ty Truyền hình Cáp Saigontourist 152,18 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam 277,91 tỷ đồng…

Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với Truyền hình Cáp Saigontourist và Truyền hình Cáp Việt Nam (hai DN này đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu), KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản là 15.684,3 tỷ đồng. Như vậy, việc áp dụng các phương pháp xác định giá trị DN khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau và chênh lệch này trong nhiều trường hợp là rất lớn. 

Kết hợp các phương pháp để có mức giá chuẩn

TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, xác định giá trị DN phải theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ cả 3 yếu tố: tài sản hiện có, lợi thế kinh doanh và khả năng sinh lợi để thực hiện CPH DNNN. Trong thực tế, khi tiến hành xác định giá trị DN thường có 3 cách tiếp cận để lựa chọn các phương pháp xác định giá thích hợp, đó là cách tiếp cận từ thị trường, từ chi phí và từ thu nhập. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tư vấn chỉ chọn áp dụng phương pháp tài sản để kiểm chứng, trên cơ sở đó lựa chọn mức giá phù hợp.

“Mặc dù phương pháp tài sản có nhiều ưu điểm, nhưng phương pháp này cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết do đánh giá DN trong “trạng thái tĩnh”, ít chú ý đến việc nó còn có thể hoàn chỉnh, phát triển trong tương lai, nên nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình không được hạch toán trên sổ sách dẫn đến giảm giá trị tài sản được đánh giá, làm “méo mó” giá trị DN, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước”, TS. Nguyễn Ngọc Tuấn nêu quan điểm.

Do đó, ông Tuấn đề xuất, cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận với nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị DN. Cần quy định khi xác định giá trị DN phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp; trong số ít nhất 2 phương pháp áp dụng bắt buộc phải áp dụng phương pháp tài sản, coi kết quả xác định giá từ phương pháp này như là giá DN tối thiểu.

Ngoài ra, theo TS. Lưu Trường Kháng, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành V cho rằng, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện CPH vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá, các quy định về xác định giá trị thị trường của tài sản…

Trong đó, đặc biệt quan trọng là chưa có quy định, cơ chế xác định lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN CPH đối với diện tích đất DN được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm. Trong khi đó, nhiều DN đang quản lý, sử dụng quỹ đất thuê trả tiền hàng năm là “đất vàng” đối với thị trường bất động sản nên nhiều trường hợp dù kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn nhà nước nhưng những DN này vẫn là đối tượng thôn tính của các DN khác.

Do đó, cần bổ sung hướng dẫn đối với việc định giá lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm; việc định giá đối với chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đã chi trả về mức đền bù, giải phóng mặt bằng tại thời điểm định giá; đối với diện tích đất giao không thu tiền sử dụng đất thì cần áp dụng giá tạm tính là giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, chứ không áp theo bảng giá đất địa phương ban hành...

Chuyên đề