Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn với rác thải nhựa

(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vừa ký kết Thỏa thuận thiết lập hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
 
Ảnh: Lê Xuân
Ảnh: Lê Xuân

Đây là sáng kiến nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc. Việc ký kết hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư lần này hứa hẹn đem đến nhiều thay đổi tích cực cho môi trường tự nhiên, tạo động lực phát triển nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trọng tâm của thỏa thuận xoay quanh 4 nội dung, gồm: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự chủ động của Dow Việt Nam, SCG và Unilever Việt Nam trong việc đồng hành cùng Bộ chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là xử lý các loại rác thải nhựa khó thu gom và tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần. “Tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Về phía Dow Việt Nam, ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng giám đốc Công ty cho biết, là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế để giúp loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường.

“Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển cơ sở hạ tầng dưới sự điều hành của Chính phủ, những quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là không đủ. Việc hợp tác giữa tất cả các bên là một yếu tố quan trọng để kinh tế tuần hoàn được thực hiện.”, ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, một đơn vị thành viên của Tập đoàn SCG - cho biết.

Chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ: “Kinh tế tuần hoàn cũng như phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa dù đã được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thiết lập được một nhóm làm việc tâm huyết để triển khai mô hình này một cách thực tế và hiệu quả. Sự đồng thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác một lần nữa khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn của Unilever: nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Chuyên đề