“Hời hợt” nắm bắt cơ hội từ CPTPP

(BĐT) - Tại Phiên Hiến kế về doanh nghiệp (DN) và CPTPP với chủ đề: “Chủ động và khai thác có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để phát triển bứt phá” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra hôm nay (2/5), đa số ý kiến cho rằng, nhiều DN và hiệp hội DN Việt Nam chưa chủ động, phòng ngừa từ xa các nguy cơ, thách thức có thể phải đối mặt trong CPTPP. 
Phiên thảo luận có sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp
Phiên thảo luận có sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp

Cụ thể, theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cách thức tiếp cận với các rào cản kỹ thuật đưa hàng hóa vào thị trường quốc tế còn rất thụ động. Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ, ngành đã chủ động nắm bắt các quy định mang tính chất dự thảo của các nước tham gia để dự báo các nguy cơ cũng như các rào cản với DN, hiệp hội DN…trong việc đưa hàng hóa vào các thị trường này. Tuy nhiên, gần như Bộ không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía các DN cũng như hiệp hội DN về những vấn đề này. “Rõ ràng là sự quan tâm cũng như chủ động, phòng ngừa từ xa của các Hiệp hội DN cũng như DN đến các vấn đề rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu còn ở mức độ hời hợt”, ông Hải khẳng định và nhấn mạnh, các DN Việt Nam vẫn tiếp cận các quy định chính sách theo kiểu “bị động”, chờ  chính sách có hiệu lực khi  thực hiện nếu  thấy khó khăn mới quay lại than vãn, lo lắng. Đây là thực trạng cần phải thay đổi.

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong chủ động nắm bắt cơ hội từ CPTPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Đến nay, tôi chưa nghe bất kỳ DN có vốn đầu tư nước ngoài nào hỏi về CPTPP, bởi họ hiểu đó là việc của DN nên rất chủ động tìm hiểu các quy định để nắm bắt cơ hội thông qua các hiệp hội DN, các công ty luật… Hiện thông tin về CPTPP tin không hề thiếu, nhưng nhiều tỉnh/thành, DN trong nước không hề biết, không chịu tìm hiểu”. Cũng theo ông Khánh, hiện VCCI đã ra mắt 2 cuốn sách giới thiệu về CPTPP, EVFTA với hàng trăm câu hỏi nhưng DN có đọc không?

Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: CPTPP mang lại đến cho các DN Việt nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, các DN phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển.

Hội thảo dành phần lớn thời lượng cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP, nhất là trong ngành dệt may, da giày, thép, nông nghiệp, giao thông, vận tải, logistics; phát triển nguyên liệu trong nước, công nghiệp phụ trợ.

Chuyên đề